9 thg 7, 2019

Sự mâu thuẫn buồn cười: Người "già" ưa hạnh phúc, người trẻ lại thích... đau buồn online

Ảo ảnh về cuộc sống hạnh phúc, hoàn hảo trên mạng xã hội đã lỗi thời rồi. Đau buồn online mới là xu hướng của giới trẻ 2019.

Đây không phải là một câu chuyện cũ. Bởi chỉ khoảng vài tiếng online trên Facebook và có một danh sách bạn cỡ tương đối, bạn sẽ phát hiện ra tình trạng chung của mạng xã hội hiện nay rất đối nghịch: người tầm trung tuổi, từ đầu 3 trở đi khá hài lòng với cuộc sống của mình, Facebook của họ tưng tửng cùng nhiều điều tích cực. Nhưng người trẻ tuổi thì khác. Rất lắm tâm sự mà nếu đọc qua, bạn sẽ cảm thấy họ là tạo vật đáng thương theo đàn, cùng chung một tâm lý buồn rũ rượu.

Cách đây khoảng 2 năm, tờ The Guardian bắt đầu đưa tin về tác hại của mạng xã hội trước giới trẻ. Trong đó, tạp chí này chỉ ra Facebook, Instagram… đang khiến con người trở nên ích kỷ và giả dối hơn. Không ít người đã cố gồng mình để xây dựng cuộc sống hoàn hảo, tươi vui nhất có thể trên mạng xã hội.


Nhưng, đó là chuyện của 2 năm trước, mọi thứ đã dần thay đổi. Thay vì nỗ lực xây dựng cuộc sống hoành tráng, thanh niên bây giờ thích buồn hơn. Chuyện tận hưởng cuộc sống dần nhường cho các anh chị trung niên hơn.

Theo Mashable, rối loạn cảm xúc "theo xu hướng" là một phần không thể thiếu của người dùng trẻ trên nhiều nền tảng. Cụ thể hơn, có thể ghé thăm và đọc những dòng tweet buồn bã trên So Sad Today (Hôm nay buồn thế) với 855.000 người theo dõi; hoặc ảnh tâm trạng trên trang Instagram MyTherapistSays (Nhà trị liệu của tôi nói rằng) với 3,6 triệu người theo dõi…

Điểm chung của những tài khoản này là: Bức ảnh mà đăng lên có thể trông dễ thương và hạnh phúc, nhưng chắc chắn caption phải hơi chán đời kèm chút tự ti.
"Thái độ tích cực của bạn làm tổn thương cảm xúc của tôi" - dòng tweet tăm tối này đã có 1351 re-tweet và 4223 likes từ khi lên sóng vào ngày 30/6.
Hoặc "Tôi không làm việc vào thứ 6, tôi chỉ có mặt thôi" - hơn 73.000 likes chỉ sau 3 ngày.
Ở những "nỗi buồn truyền thống", dường như nỗi sợ bị bỏ rơi khỏi cộng đồng chính là tác nhân lớn nhất khiến người trẻ không thể vui vẻ mỗi ngày và trở nên trầm cảm . Thế nhưng, thế hệ thanh niên hiện đại lại khiến chúng ta có cái nhìn khác về sự bị bỏ rơi này. Họ tìm niềm vui bằng cách đăng tải hoặc gửi gắm thông điệp gián tiếp đến người thân, xã hội về sự an nguy của bản thân. Họ muốn được quan tâm theo cách bị bỏ rơi - một nghịch lý khá khó hiểu, mang đầy sự rắc rối phức tạp của những tâm hồn đang tìm đường lớn.

Kiểu như, tôi thấy bạn đăng ảnh ngồi tơ hơ bên điếu thuốc, lại còn chỉnh đen trắng - bản năng thương cảm bên trong con người tôi sẽ nói rằng, à bạn trẻ kia đang có vấn đề. Niềm vui của xu hướng này đến từ việc kéo trùng tâm trạng của người khác xuống, được nhiều likes, tương tác và quan tâm tới tấp.

Ở Việt Nam cũng từng có một thời mà trào lưu "emo" trở nên thịnh vượng. Phong cách này khuyến khích bạn trang điểm với sự u tối, cắt tóc che nửa khuôn mặt và mặc đồ không hở một chút màu sáng nào, như một lời nhắc nhở họ là các cá thể của bóng tối, đang chìm vào bóng tối, sẽ không trở ra tìm niềm vui. Thông điệp mà nhóm này tung lên mạng xã hội đầy rẫy sự căm phẫn, hay ấm ức sự đời.

Thời gian ban đầu, ai cũng xót thương cho các cô gái chàng trai mới tuổi đôi mươi đã sống ngập trong thống khổ. Nhưng món lạ mấy, ăn mãi cũng thành nhàm. Chả biết từ lúc nào sự chán đời ấy bây giờ chỉ nhận được cái tặc lưỡi, bấm like qua loa và mặc kệ. Thóc đâu mà đãi gà rừng. Sức đâu cho sẵn mà dừng bi ai.

Vài năm trở lại đây, đã có một loạt các chiến dịch truyền thông xã hội khuyến khích mọi người cởi mở hơn về sức khỏe tâm thần. Mục đích ban đầu rất tích cực, hướng đến giúp con người, đặc biệt là giới trẻ trên internet bày tỏ cảm xúc để giải tỏa áp lực.

Thế nhưng, người trẻ ngày nay đã quên (hoặc cố tình không tìm hiểu) sự khác biệt cơ bản giữa cảm giác buồn bã đơn thuần với các thuật ngữ chẩn đoán rối loạn tâm thần, như lo âu hoặc trầm cảm.

"Mọi người coi nỗi buồn của họ là trầm cảm, coi sự lo lắng là rối loạn lo âu . Tuy nhiên, những gì họ thực sự gặp phải chưa đủ để phản ánh những vấn đề tâm lý đó. Nếu người khỏe mạnh một mực tin rằng mình bị trầm cảm, họ sẽ đắm chìm trong những bài đăng tối tăm trên mạng xã hội, khiến hiện tượng này trầm trọng hơn," Jinan Jennifer Jadayel, đồng tác giả của một nghiên cứu về vấn đề đau buồn online vào năm 2017.

Trên thực tế, phương tiện truyền thông xã hội đã ngày càng làm lu mờ ranh giới giữa sự thật và thói lố bịch, giả dối. Việc đăng bài về những rung cảm mông lung có thể là thật, nhưng với một số người, nó đơn giản là cách để "phù hợp hơn với internet."

Từ khi internet trở nên phổ biến vào đầu những năm 2000, chưa bao giờ có nhiều người mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần như bây giờ - đặc biệt là thế hệ Z (sinh năm 1996 - 2000) đang thống trị truyền thông xã hội.

Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center) cho thấy: 7 trên 10 thanh thiếu niên ở Mỹ cho rằng rối loạn lo âu, trầm cảm là vấn đề lớn nhất mà họ phải đối mặt. Một con số thật đáng giật mình, nếu như con số này phản ánh đích xác hiện trạng bệnh lý xã hội thì chả nhẽ, con người chúng ta bây giờ toàn những người… tâm thần?


Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, con người đang lo lắng và ngày càng chán nản hơn bao giờ hết - hoặc ít nhất, có thể nói về chuyện này một cách cởi mở hơn. Điều nguy hiểm ở chỗ, xu hướng đau buồn online có thể dẫn đến việc tự chẩn đoán sai hoặc, khiến giới trẻ coi thường triệu chứng của những người thực sự mắc bệnh tâm lý. Cũng từ đó dẫn đến hậu quả những người bị bệnh tâm lý thật sự luôn nhận được cái nhìn khắt khe từ cộng đồng, giả dụ như bệnh trầm cảm chẳng hạn. Phản ứng ái ngại đầu tiên từ xã hội sẽ là: "Trầm cảm cái gì, vẽ điều đú đởn".

Oái oăm hơn nữa, Rola Jadayel, chuyên gia nghiên cứu truyền thông xã hội từ Đại học Balamand ở Lebanon, cho hay: "Ngày càng có nhiều thanh niên tin rằng trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực , chán ăn… là cách tuyệt vời để khiến bạn trở nên đặc biệt."

Rola từng thực hiện nghiên cứu, tập trung vào các mạng xã hội như Tumblr và Instagram. Tại đây, các vấn đề về sức khỏe tâm thần lại được người trẻ "tôn vinh" thông qua các hashtag.

"Ngày nay, hầu hết người dùng internet hoạt động trong những cộng đồng có chung sở thích hoặc cách tư duy. Đối với thế hệ Z, họ cảm thấy khó khăn khi muốn tham gia vào một nhóm nào đó. Và nhóm người 'lo âu, trầm cảm' có vẻ dễ hòa nhập nhất", Natasha Tracy, tác giả của Lost Marble, cuốn sách nói về chứng rối loạn lưỡng cực nghiêm trọng của bản thân cô.

Không đơn giản là công cụ để hòa nhập với cộng động đau buồn online - việc tweet, đăng ảnh Instagram hoặc video Tik-Tok (mạng xã hội video mới nổi) về sự lo âu, đã vô tình khắc họa nỗi lạc lõng, tuyệt vọng trong việc tìm kiếm sự thật trên một môi trường mà hầu hết mọi thứ đều là ảo hoặc bị bóp méo.

Điều đó không có nghĩa là, người trẻ bây giờ không nên hoặc không thể nói chuyện cởi mở về các vấn đề tâm lý trên internet. Tuy nhiên, Tracy tin rằng các hội, nhóm thảo luận về sức khỏe tâm thần thường không đưa ra những thông tin thực sự có ích.

"Họ dạy tụi nhỏ rằng, bệnh tâm thần chỉ là cảm giác và nỗi lo lắng có thể bị dập tắt bằng vài bài tập hít thở," cô nói. "Điều này đã bình thường hóa những triệu chứng ban đầu của bệnh tâm thần. Người mắc chứng rối loạn lo âu nghiêm trọng cần nhiều hơn là những bài tập thở, bạn biết đấy."

"Những người thực sự mắc bệnh tâm lý nặng nề [rối loạn lưỡng cực] như tôi không tìm thấy bản thân mình qua những gì truyền thông xã hội khắc họa."

Khái niệm "bi kịch tuổi teen" không hề mới. Các trường học đã dạy thiếu niên câu chuyện của Romeo và Juliet (bị kịch tự tử được lãng mạn hóa) từ hàng trăm năm trước. Những năm 90s cũng xuất hiện nhiều phiên bản "đau buồn thời thượng" khác.

Theo Janis Whitlock, giáo sư Đại học Cornell thì: "Nó đã tồn tại từ lâu và thanh niên của thập niên 90 từng chọn ra ai hay buồn nhất, lo lắng nhất, có gia đình bi kịch nhất… Nhưng nó hiện hữu trong những cộng đồng nhỏ chứ không bùng nổ như bây giờ."

Quả thực, internet và mạng xã hội đã tạo ra số người "đau buồn" cực lớn với tốc độ chóng mặt. Đương nhiên, cho người khác biết rằng tôi đang đau buồn không phải lúc nào cũng xấu, nhưng tính độc hại của sự ngộ nhận là không thể chối cãi.

Bằng việc tăng cường nhận thức đúng đắn, cả người dùng lẫn các nền tảng truyền thông xã hội đang dần hiểu được sự phân nhánh của các xu hướng độc hại, đặc biệt là đau buồn online.

Instagram đã nỗ lực ngăn chặn nội dung ngộ nhận, cấm các hashtag tương tự như #proana (ủng hộ chứng chán ăn) và làm nổi bật các bài đăng #socialanxiety (lo lắng xã hội) thực sự để người dùng tìm kiếm sự giúp đỡ chứ không phải quảng cáo thương hiệu quần áo cho các cô cậu thích đau buồn online.

Còn Tumblr, dù đứng trước nguy cơ đóng cửa do cấm nội dung người lớn, đang nỗ lực kết nối người dùng với các tổ chức phòng chống tự sát khi ai đó tìm kiếm từ khóa "tự tử." Những sự đau buồn này không hề đem lại cho bạn sự độc đáo hay vài ba cái nhãn dán xã hội về sự thời thượng, trên cả, vấn nạn về bệnh tâm lý ở xã hội hiện đại đang là đề tài nhức nhối bởi chúng cướp đi hàng nghìn con người mỗi ngày. Liệu bạn có biết rằng, số liệu từ WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) cho thấy cứ mỗi 40 giây, trên thế giới lại có 1 người tự tử, và con số cụ thể hơn lên đến 4.000 người mỗi ngày.


Đặc tính tự nhiên của con người là thích nghi với môi trường mới hoặc xây dựng môi trường để phù hợp với nhu cầu của cá nhân hoặc nhóm người. Sự chuyển mình trong văn hóa truyền thông xã hội, có thể là một phần của giải pháp cho chính vấn đề mà nó tạo ra.

Giới trẻ nên biết rằng, bệnh tâm lý không phải là trò đùa và nỗi đau sâu thẳm trong trái tim không phải lúc nào cũng hiện hữu. Bất cứ ai cũng có những bế tắc trong cuộc sống, tuy nhiên, chúng chỉ được giải quyết khi-và-chỉ-khi các bạn trẻ thành thực với bản thân và xã hội. Hay hơn hết, hãy nhường cơ hội được chữa lành, được cứu vớt cho những người thật sự đang gặp vấn đề. Trà trộn, ngụy tạo chỉ khiến cộng đồng khắt khe hơn, ái ngại hơn trong việc chìa tay cứu giúp người bị bệnh.


Cảm xúc buồn bã, tuyệt vọng không phải điều gì quá xấu xa, chúng là món quà của tạo hóa để bạn thêm hiểu và trân trọng cuộc sống này, chứ không phải để chìm đắm rồi cố tình không tìm ra lối thoát.

Nguồn Internet

0 comments:

Đăng nhận xét