9 thg 7, 2019

Nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đã xuống dưới 2%

Số liệu về nợ xấu mới nhất đã được cập nhật tại hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, tổ chức ngày 5/7.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu tiếp tục được tập trung xử lý và tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống đã giảm mạnh.

Cụ thể, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2019, ước tính toàn hệ tống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 937,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó riêng trong năm 2018, đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước đến cuối tháng 6/2019 là 1,91%.

Dù chưa cập nhật cụ thể thêm về nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, nhưng mức nợ xấu nội bảng nói trên đã nằm dưới ngưỡng 2% - ngưỡng mà tại Nghị quyết số 01 vừa ban hành đầu năm nay Chính phủ đặt ra yêu cầu hệ thống ngân hàng phải đảm bảo thực hiện được cho năm nay.

Về kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng ước đã xử lý được 264,06 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 127,641 nghìn tỷ đồng. 

Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 theo hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, phần nào phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi tổ chức tín dụng, VAMC có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 42.

Bên cạnh việc cập nhật tỷ lệ nợ xấu, tại hội nghị trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng cho biết, nhờ giữ ổn định các mức lãi suất điều hành, chỉ đạo tổ chức tín dụng rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính nên mặt bằng lãi suất trong 6 tháng đầu năm cơ bản ổn định. Hiện lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn và khoảng 9-11%/năm đối với trung, dài hạn.

Thống đốc cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020. Trong đó, tập trung xử lý hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém; chấn chỉnh hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, nhằm bảo đảm hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích và giữ vững ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương; tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, phát triển các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại; tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; thực hiện các giải pháp để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí ngân hàng…

Nguồn VNECONOMY

0 comments:

Đăng nhận xét