9 thg 7, 2018

Kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam: Thị trường khó, khách hàng dễ

Kinh doanh mỹ phẩm tại thị trường Việt Nam là không dễ, nhất là đối với những sản phẩm chưa có thương hiệu. Dù vậy, theo bà Giao, thị trường Việt Nam "dễ về mặt khách hàng".
Tại Mekong Beauty Show (Triển lãm về làm đẹp, mỹ phẩm, thiết bị chăm sóc sắc đẹp và spa) mới đây, TVR - một công ty chuyên sản xuất mỹ phẩm và thực phẩm có vốn đầu tư nước ngoài đã giới thiệu dòng sản phẩm mới "Mặt nạ dưỡng da sinh học" chiết xuất từ dừa tươi Bến Tre với niềm tin sẽ tạo đột phá không chỉ tại Việt Nam mà còn với thị trường châu Á. Tuy nhiên, trong bối cảnh sản phẩm làm đẹp hữu cơ ngày một nhiều tại Việt Nam, việc TVR muốn tăng được sự hiện diện là không dễ.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, nhu cầu sản phẩm được làm từ nguyên liệu thiên nhiên và thuần thiên nhiên hoặc organic tại Việt Nam cao hơn các nước ở khu vực tới 40%. Nielsen cũng cho rằng, những sản phẩm cải tiến hơn đồng nghĩa với việc cung cấp dưỡng chất hoặc yếu tố đến từ thiên nhiên nhiều hơn. Những sản phẩm đến từ chất hóa học không phải loại mỹ phẩm người Việt Nam đang tìm kiếm.

Nói về mức độ cạnh tranh giữa các nhãn mỹ phẩm, bà Bùi Ngọc Quỳnh Giao - Giám đốc Thương hiệu Ilahui Việt Nam nhìn nhận, kinh doanh mỹ phẩm tại thị trường Việt Nam là không dễ, nhất là đối với những sản phẩm chưa có thương hiệu. Dù vậy, theo bà Giao, thị trường Việt Nam "dễ về mặt khách hàng".

Cụ thể, mức thu nhập của người dân đang tăng làm gia tăng chi tiêu cho mỹ phẩm. Dù vậy, không phải khách hàng nào cũng có điều kiện ra nước ngoài để mua mỹ phẩm. Hơn nữa, mỗi thị trường lại có nhiều loại mỹ phẩm khác nhau, phù hợp với khách hàng của từng nước. Do đó, việc mua mỹ phẩm tại Việt Nam với hướng dẫn sử dụng của nhân viên người Việt vẫn là xu hướng chung trên thị trường hiện nay.

Cũng theo bà Quỳnh Giao, kinh doanh mỹ phẩm tại thị trường Việt Nam có khó khăn khi thực hiện các quy định của nhà nước. Trong khi mỹ phẩm sản xuất trong nước không được nhiều khách hàng quan tâm, doanh nghiệp muốn nhập khẩu sản phẩm để bán phải có hồ sơ về chất lượng và thực hiện đầy đủ các thủ tục thông quan. Thế nhưng, chỉ riêng việc làm được bộ hồ sơ công bố chất lượng đã mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Song, điều đó không làm nhu cầu mỹ phẩm "giảm nhiệt". Bà Claudia Bonfiglioli - Tổng giám đốc Informa Beauty cho rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về phát triển mỹ phẩm, đặc biệt là mỹ phẩm thiên nhiên và mỹ phẩm organic. Trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm làm đẹp hữu cơ của các thương hiệu mỹ phẩm lớn trên thế giới.

Theo Tổng giám đốc Informa Beauty, vấn đề là thị trường đến nay vẫn thiếu vắng những kết nối doanh nghiệp phân phối và nhà sản xuất. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến hoạt chất trong sản phẩm. Do đó tính minh bạch là yếu tố mà doanh nghiệp mỹ phẩm buộc phải tuân thủ.

Huỳnh Bích Trân - Phó giám đốc Dịch vụ đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam cho biết, 43% người châu Á sẽ trả tiền cho sản phẩm cao cấp. Nhưng có trên 60 - 72% khách hàng tìm sản phẩm cao cấp hơn, tức những sản phẩm xuất xứ từ thiên nhiên, sản phẩm organic. Điều này cho thấy, dư địa của hàng mỹ phẩm cao cấp có xuất xứ từ thiên nhiên tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để các nhà sản xuất, phân phối đầu tư kinh doanh. 

Nguồn DNSG

0 comments:

Đăng nhận xét