29 thg 6, 2020

Nợ xấu đang xấu hơn

Ngay cả khi tung gói tín dụng hàng trăm ngàn tỉ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, nợ xấu vẫn sẽ tăng trong năm nay.

Lũy kế từ ngày 15.8.2017 đến cuối tháng 3.2020, cả hệ thống tín dụng đã xử lý được 299.800 tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Tuy nhiên, với tác động của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngừng trệ, nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng cũng tăng lên, nhất là nhóm nợ có khả năng mất vốn. Cùng với việc tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, các ngân hàng thương mại còn đẩy mạnh rao bán thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi, xử lý nợ từ dự án chung cư, căn hộ cao cấp, đất nền, nhà phố cho đến ô tô, máy móc thiết bị, nhà xưởng...

Năm 2020 là đến hạn 5 năm xử lý các khoản nợ bán cho Công ty Quản lý Tài sản Các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Nếu chưa xử lý xong, các ngân hàng phải mua lại để tiếp tục xử lý. VAMC cũng ráo riết chào bán hàng loạt tài sản nhằm xử lý, thu hồi nợ sau khi đã mua lại của các tổ chức tín dụng.

Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại nhìn nhận làn sóng thanh lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ là tất yếu trong bối cảnh khách hàng gặp khó khăn hơn, không có khả năng trả nợ do tác động của dịch COVID-19. “Trong năm 2020 Ngân hàng đặt mục tiêu xử lý 11.000 tỉ đồng nợ xấu, như vậy còn thời gian từ nay đến cuối năm chắc chắn sẽ vượt mục tiêu đề ra”, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết.


Tại Sacombank, trong 5 tháng đầu năm, nợ xấu đã được đấu giá và đang làm thủ tục chuyển giao lên đến 9.700 tỉ đồng, số tiền thực nhận là hơn 1.800 tỉ đồng. Trong khi đó, SCB đang rao bán trực tiếp 7 tài sản là bất động sản có giá trị thấp nhất từ vài tỉ đồng đến hàng trăm tỉ đồng. Hay LienVietPostBank gần đây cũng rao bán nhiều khoản nợ và đấu giá tài sản thế chấp cho khoản vay với giá rao bán từ vài trăm triệu đồng đến hàng trăm tỉ đồng... 

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, hiện có tới 1,8 triệu tỉ đồng (chiếm khoảng 23% tổng dư nợ tín dụng) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chưa kể những khoản nợ bị ảnh hưởng gián tiếp. Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng lo ngại nợ xấu sẽ tăng do tác động của dịch bệnh vì khoảng 23% dư nợ toàn ngành bị ảnh hưởng, tiềm ẩn rủi ro tới hoạt động ngân hàng.

Kết thúc 5 tháng đầu năm nay và ước đến hết tháng 6, các ngân hàng quy mô đã hoàn thành được 40-50% kế hoạch lợi nhuận năm. Tuy nhiên, tình hình tín dụng tăng trưởng chậm. Đại diện nhiều ngân hàng thừa nhận xu hướng rao bán tài sản thế chấp sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới khi nguy cơ nợ xấu đang gia tăng, khiến lợi nhuận ngân hàng giảm đáng kể vì phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, cho biết, doanh nghiệp xác định phải đối phó với suy giảm kinh doanh, thậm chí là phá sản. Nợ xấu tại ngân hàng theo đó cũng tăng cao hơn.

Bán đấu giá tài sản là cách tốt nhất để ngân hàng thu hồi khoản nợ của khách hàng. Tuy nhiên, việc thu hồi nợ của các ngân hàng hiện rất khó khăn. Nhiều thông tin cho thấy, các tài sản có giá trị lớn, từ 30 tỉ đồng trở lên, khó kiếm được khách hàng trong thời điểm này.

Tổng gói tín dụng mà ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với thiệt hại do dịch bệnh gây ra đã lên tới hơn 300.000 tỉ đồng. “Chính sách cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi vay đã góp phần giảm khó khăn cho khách hàng và giữ cho nợ xấu không bị đẩy lên cao”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định. Chẳng hạn, cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch tại Vietcombank được Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nghiêm Xuân Thành cho biết đến thời điểm này vào khoảng 10.000 tỉ đồng dư nợ, hơn 20.000 tỉ đồng là dư nợ ăn theo dư nợ tái cơ cấu.


Tuy nhiên, ngay cả khi tung gói tín dụng lớn để hỗ trợ khách hàng, nợ xấu chắc chắn vẫn sẽ tăng. Các ngân hàng đang có chính sách gia hạn nợ cho khách hàng trong vòng 3 tháng. Nếu hết thời gian này, bên vay vẫn không trả được nợ, khoản vay đó sẽ trở thành nợ xấu, ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của ngân hàng. 

Theo thống kê báo cáo tài chính quý I/2020 của các ngân hàng, tại nhiều ngân hàng, nợ nhóm 3, 4, 5 tăng mạnh, đẩy tỉ lệ nợ xấu tăng cao so với đầu năm. Kienlongbank là ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu tăng cao nhất khi giá trị nợ xấu tăng 5,7 lần lên 2.293 tỉ đồng, kéo tỉ lệ nợ xấu từ 1% lên 6,62%. TPBank cũng có nợ xấu tăng mạnh thêm 53% lên mức 1.884 tỉ đồng. Nợ xấu nội bảng của Saigonbank đã tăng tới 95% lên 377 tỉ đồng, trong đó chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh...

Sau nhiều năm nỗ lực xử lý, nợ xấu của các ngân hàng đã có chiều hướng chuyển biến tích cực trong năm 2019. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn như hiện nay, việc đưa nợ xấu về mức dưới 3% vào năm nay sẽ khó thành hiện thực. Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát trong quý II, nợ xấu sẽ ở mức 3,7% vào cuối năm 2020 và có thể cao hơn, tùy thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế. Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, tốc độ xử lý nợ xấu nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường bất động sản vì tài sản đảm bảo cho các khoản nợ chủ yếu là bất động sản.

Nguồn NCĐT

0 comments:

Đăng nhận xét