9 thg 11, 2019

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người tiêu dùng kiểm tra đồng tiền khi giao dịch tiền mặt

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người tiêu dùng cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật và có thói quen kiểm tra đồng tiền khi giao dịch tiền mặt theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, tiền giả dù tinh vi đến mấy cũng chỉ gần giống tiền thật về hình thức, không có yếu tố bảo an hoặc có làm giả một số chi tiết, nhưng không tinh xảo nên có thể nhận biết được. Để xác định được tiền giả, phải lấy tờ tiền thật cùng loại so sánh tổng thể và kiểm tra các yếu tố bảo an cơ bản như: hình bóng chìm, dây bảo hiểm, mực in lõm (nét in nổi), mực không màu phát quang khi soi dưới đèn cực tím…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, có một số cách nhận biết đơn giản mà nhiều người thường làm là soi tờ tiền polymer dưới nguồn sáng, các hình bóng chìm trên tiền giả thường không tinh xảo, các chữ, số trên dây bảo hiểm không rõ ràng, ít sắc nét hoặc có cảm giác gợn tay là do vết dập trên nền giấy chứ không phải do độ nổi của nét in…

Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn một số cách kiểm tra nhanh bằng tay hoặc mắt thường để phân biệt tiền thật, tiền giả như: kiểm tra chất liệu polymer in tiền bằng cách nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và khi mở ra tờ tiền sẽ đàn hồi về trạng thái ban đầu; kiểm tra độ bền bằng cách kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền sẽ khó rách, khó bai giãn (lưu ý không kéo, xé đồng tiền ở vị trí đã bị rách).

Tiền giả chủ yếu được in trên nylon nên không có độ đàn hồi đặc trưng và độ bền như tiền thật, khi nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và mở ra sẽ không đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm; đồng thời khi kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền sẽ dễ bị bai giãn hoặc rách.

Ngoài ra, có thể soi tờ tiền trước nguồn sáng, kiểm tra hình bóng chìm và hình định vị. Hình bóng chìm (bên trái mặt trước hoặc bên phải mặt sau tờ tiền): nhìn thấy rõ từ hai mặt tờ tiền, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo và sáng trắng. Đối với mệnh giá từ 20.000 đồng đến 500.000 đồng là hình ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; mệnh giá 10.000 đồng là hình ảnh chùa Một Cột.

Hình định vị đối với mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng: phía trên bên trái mặt trước hoặc phía trên bên phải mặt sau tờ tiền và mệnh giá từ  50.000 đồng đến 500.000 đồng: phía trên bên phải mặt trước hoặc phía trên bên trái mặt sau tờ tiền sẽ nhìn thấy hình ảnh trên hai mặt khớp khít, tạo thành một hình ảnh hoàn chỉnh, các khe trắng đều nhau.

Trong khi đó, tiền giả thì hình bóng chìm chỉ là hình ảnh mô phỏng, không tinh xảo; hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau.

Bên cạnh đó, có thể vuốt nhẹ mặt trước tờ tiền, kiểm tra các yếu tố in nổi, kiểm tra yếu tố hình ẩn (DOE) trong cửa sổ nhỏ…

Chị Hoàng Minh Hiền, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, chị thường xuyên giao dịch tại các ngân hàng thương mại và nhận thấy tại các ngân hàng có treo hình ảnh và thông tin hướng dẫn người dân cách phân biệt tiền thật, tiền giả.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, tiền giả là một vấn nạn của mọi quốc gia và cần phải có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này. Cụ thể, các cơ quan chức năng nên có bộ phận chuyên môn kiểm tra tiền giả tại các cửa khẩu quốc tế cũng như hướng dẫn người dân phân biệt được sự khác biệt giữa tiền thật và tiền giả. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước tuyên truyền rộng rãi hơn nữa về vấn nạn tiền giả trên các phương tiện truyền thông để giúp nhân dân nắm được thông tin tin cậy và chính xác.

Theo BNEWS

0 comments:

Đăng nhận xét