8 thg 6, 2020

Sinh viên Tài chính tiền mất tật mang vì Miss Ngân Toeic

“Một khóa học chúng tôi phải đóng 3.7 triệu đồng nhưng chất lượng giảng dạy rất tệ. Chị Ngân quảng cáo được 990 điểm Toeic nhưng không cho học viên xem bằng".

Tin lời quảng cáo, sinh viên Tài chính tiền mất tật mang
N.M.Q, sinh viên năm 2, Học viện Tài chính nhiều lần thuyết phục bố mẹ cho 3.7 triệu đồng để đóng học phí tại trung tâm Miss Ngân Toeic.

Gia đình Q. kinh tế còn khó khăn, để có số tiền này bố mẹ Q. phải vay mượn hàng xóm.

Thế nhưng, sau khi học 2 buổi tại trung tâm nêu trên, Q. cảm thấy như mình bị lừa vì chất lượng không đảm bảo, học phí lại cao.

Đến khi Q. muốn xin lại tiền đặt cọc và học phí thì chủ trung tâm nói: Không!

Q. cho biết: “Chị Phạm Thị Hồng Ngân, chủ trung tâm Miss Ngân Toeic quảng cáo thi 3 lần Toeic với số điểm lần lượt là 975,980,990 điểm.

Vì tin lời quảng cáo này nhiều sinh viên Học viện Tài chính trong đó có tôi đã đăng ký học tại trung tâm trên.

Nhưng đến khi học chất lượng lại không đảm bảo, học phí lại cao.

Chúng tôi muốn chị Ngân trả lại học phí để tìm chỗ học khác nhưng chị Ngân không cho”.

Cùng thời điểm Q. đăng ký theo học tại trung tâm Miss Ngân Toeic, Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều đơn thư phản ánh của sinh viên Học viện Tài Chính.

Nội dung của đơn thư yêu cầu các cơ quan chức năng trong đó có trung tâm đào tạo IIG Việt Nam xác minh điểm số chị Phạm Thị Hồng Ngân quảng cáo (990 điểm) có đúng thực tế hay không?

Đây là cơ sở để các bạn sinh viên đăng ký theo học tại trung tâm này có thể lấy lại học phí cũng như là hồi chuông cảnh báo với nhiều sinh viên khác.

Nội dung lá đơn do bạn V.N.A gửi về tòa soạn Giáo dục Việt Nam có đoạn:

“Chúng tôi biết đến trung tâm do chị Phạm Thị Hồng Ngân đứng tên (Miss Ngân Toeic) thông qua những chiêu trò quảng cáo trên mạng xã hội.

Một khóa học tại đây, học viên phải đóng 3.750.000 đồng.

Tuy nhiên trong quá trình học chúng tôi nhận thấy nhiều bất cập trong công tác tổ chức lớp học và giảng dạy.

Chị Phạm Thị Hồng Ngân thường xuyên ăn bớt thời gian, nạt nộ sinh viên, phương pháp giảng dạy vô cùng kém.

Bên cạnh đó chị Ngân còn quảng cáo đã từng dạy ở nhiều trường Đại học và các tập đoàn lớn như Viettel, AOF, AOJ, HUMG...

Chị Ngân cũng cho biết bản thân đã từng thi chứng chỉ Toeic được 990 điểm do IIG Việt Nam cấp.

Tuy nhiên cũng có thông tin cho rằng số điểm chị Ngân quảng cáo không phải là thật.

Vì thế chúng tôi các cơ quan báo chí lên tiếng, phía IIG Việt Nam xác minh thông tin trên.

Từ đó lấy lại công bằng cho sinh viên Học viện Tài chính chúng tôi và cảnh tỉnh các bạn sinh viên khác.

Chúng tôi cũng đề nghị chị Ngân hoàn lại học phí cho học viên và có lời công khai xin lỗi chúng tôi”.


Đơn tố cáo Miss Ngân Toeic của sinh viên Học viện Tài chính (Ảnh:M.N)

Khi lên hệ với sinh viên V.N.A, bạn này cho biết:

“Sự việc này sinh viên Học viện Tài chính đã bức xúc từ lâu nhưng chưa ai lên tiếng.

Có 2 vấn đề chị Ngân cần phải làm rõ.

Thứ nhất, Trung tâm Miss Ngân Toeic của chị đã đăng ký và được cấp phép chưa hay chỉ đơn thuần là một lớp gia sư thông thường.

Thứ hai, nếu chị Ngân muốn tiếp tục giảng dạy cần phải trung thực.

Chị Ngân cần chứng minh được số điểm thi Toeic của chị là thực, không gian dối.

Về chất lượng lớp học thì vô cùng tệ vì chị Ngân thường xuyên thay đổi lịch học, giảng dạy hời hợt.

Trong đợt nghỉ dịch chủ yếu chúng tôi học Online.

Thế nhưng nay chị đi ăn sáng, mai chị đi đủ thứ việc.

Có tuần chị Ngân đi du lịch suốt không dạy buổi nào.

Đánh đùng chị bảo còn 4 buổi nữa là kết thúc.

Nhưng chúng tôi không hình dung đã học được những gì trong khi học phí chị Ngân thu cao hơn những nơi khác khoảng 1 triệu đồng.

Có sinh viên theo học lớp chị còn không có khả năng để thi chuẩn đầu ra tại Học viện Tài chính.

Nhưng thái độ của chị Ngân là điều gây bức xúc nhất.

Khi chúng tôi biết sự việc chị Ngân không lên tiếng xin lỗi mà còn nạt nộ sinh viên.

Sinh viên không đòi được tiền đặt cọc do chị Ngân không trả”.

Lời quảng cáo của Miss Ngân Toeic (Ảnh:M.N)

Để sinh viên được hiểu rõ, Giáo dục Việt Nam xin trích dẫn những điều kiện để thành lập 1 trung tâm Ngoại ngữ:

Trong đó điều kiện địa điểm cơ sở hạ tầng đảm bảo: Phòng học phải đủ ánh sáng, đảm bảo diện tích sử dụng một phòng đạt 1.5m2/ 01 học viên.

Địa điểm mở trung tâm có thể xây dựng (lắp đặt) được khu lễ tân, thư viện, phòng điều hành...

Điều kiện nhân sự: Có tối thiểu 01 Giám đốc trung tâm, 01 – 03 Giảng viên cơ hữu, 01 nhân viên kế toán, lễ tân...

Đối với giám đốc trung tâm: phải có bằng đại học, chứng chỉ sư phạm + chứng chỉ ngoại ngữ.

Trung tâm ngoại ngữ phải được cấp phép theo quyết định của Sở giáo dục và đào tạo thành phố.

Tuy nhiên trong danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tin học tại Hà Nội được công khai trên cổng thông tin của Sở giáo dục và đào tạo không có trung tâm nào tên là Miss Ngân Toeic.

Hiện nay không chỉ có Miss Ngân Toeic, nhiều cơ sở ôn luyện, bồi dưỡng ngoại ngữ cũng tự nhận là trung tâm ngoại ngữ.

Hành vi này xét cho cùng dùng để đánh bóng tên tuổi, thu hút học viên là những người nhẹ dạ cả tin.

Trung tâm Miss Ngân Toeic bị sinh viên tố cáo chất lượng kém, dạy hời hợt, học phí cao, dùng bằng giả (Ảnh:M.N)

IIG thu hồi chứng chỉ Toeic của Miss Ngân Toeic nếu xác minh rõ hành vi gian dối
Trong một đoạn ghi âm do sinh viên gửi tới Giáo dục Việt Nam, chị Phạm Thị Hồng Ngân thừa nhận:

“Cách đây gần 3, khi em mới bước chân về tài chính.

Hồi đấy em có đi thi chứng chỉ Toeic nhưng điểm của em không được 980 điểm.

Em có chém gió lên một tí nhưng mà em có đi thi.

Em cũng bị mất cái phiếu điểm cũ đấy rồi.

Cách đây 3 năm em thi cũng chỉ được có thế thôi, được 880 Toeic”.

Theo những manh mối này, sinh viên tìm đến một giảng viên có tiếng trong giới luyện thi Toeic để làm sáng tỏ nghi vấn: Có hay không chị Ngân khai khống điểm thi Toeic để lừa đảo lòng tin của sinh viên?

Người này phân tích (dựa theo bức hình chụp chứng chỉ Toeic chị Ngân đăng trên mạng xã hội):

Tôi nghi ngờ bằng Toeic này là sản phẩm của photoshop.

Thứ nhất, cách viết trong bằng Toeic sử dụng một ký tự khá đặc biệt nhưng bằng của bạn Ngân lại dùng số bình thường: Phần Listening được 495 và Reading được 485.

Trong bảng điểm của IIG cấp, phần bụng của số 5 đáng lẽ phải phình lên chứ không ngoằng xuống như bảng điểm kia.

Thứ hai, số 9 trong bảng điểm của Ngân cũng khác bảng điểm IIG cấp.

Trong bảng điểm của IIG phần đuôi số 9 chỉ phẩy nhẹ xuống chứ không móc cong lên như trong bảng điểm kia”.

Để làm rõ những thông tin về bằng cấp của Phạm Thị Hồng Ngân, phóng viên đã liên hệ làm việc với trung tâm đào tạo IIG Việt Nam.

Trung tâm IIG Việt Nam phản hồi: “Đối với thông tin phản ánh về việc có thí sinh làm giả kết quả thi hoặc không trung thực trong việc sử dụng kết quả thi, IIG Việt Nam sẽ thực hiện các bước điều tra nghiệp vụ.

Trong trường hợp có phát hiện sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định của Viện khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) và IIG Việt Nam.

Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có liên quan đến các quy định về sử dụng văn bằng, chứng chỉ theo pháp luật Việt Nam, chúng tôi sẽ chuyển thông tin để các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết…”.

Điểm số 980 bị sinh viên nghi ngờ là sản phẩm photoshop (Ảnh:M.N)

Trong thời gian chờ đợi phía IIG xác minh làm rõ, nhiều sinh viên Học viện Tài chính cho biết sẽ tiếp tục gửi đơn đến IIG Việt Nam cũng như các cơ quan báo chí để làm rõ sự việc trên.

Bạn V.N.A cho biết: “Sự việc này đã làm tổn hại đến uy tín cũng như lòng tin của sinh viên Học viện Tài chính.

Chị Ngân, chị Hà đều là những người đã dạy tiếng Anh ở đây lâu năm nhưng không tôn trọng chúng tôi.

Nếu các chị sử dụng bằng giả để đi dạy chúng tôi sẽ quyết theo đến cùng cho đến khi có 1 câu xin lỗi hoặc 1 lời giải thích thỏa đáng.

Chúng tôi không lên tiếng thì còn chịu ấm ức đến bao giờ.

Hơn nữa nhiều bạn sinh viên khó khăn phải đi vay mượn tiền đóng học phí mà cuối cùng chúng tôi cảm thấy như bị phản bội”.

Nguồn GDVN

0 comments:

Đăng nhận xét