8 thg 5, 2020

Đáp trả sự hăm dọa và bắt nạt ở Biển Đông

Ngày càng có nhiều tiếng nói và hành động mạnh mẽ để đáp trả những hành vi dùng sức mạnh để hăm dọa và bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm khẳng định tự do hàng hải, hàng không và nhất là an ninh và ổn định ở vùng biển chiến lược quan trọng với cả khu vực và thế giới này.
Các lực lượng của Mỹ tiến hành tuần tra ở Biển Đông nhằm bác bỏ những yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.

Khẳng định quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trong phát biểu mới nhất ngày 4-5, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, các lực lượng của Mỹ hiện vẫn tiếp tục theo dõi sát sao mọi hành vi không tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông của các đơn vị trên biển và trên không thuộc quân đội Trung Quốc (PLA). Ông chủ Lầu Năm góc một lần nữa cáo buộc, Trung Quốc lợi dụng tình hình đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) để thúc đẩy lợi ích phi pháp của nước này ở Biển Đông. 

Giải thích cho hoạt động của các lực lượng Mỹ ở Biển Đông, Bộ trưởng Mark Esper nêu rõ, Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ hoặc không gian vốn không thuộc về họ. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về thông tin xung quanh “hành động khiêu khích” của Trung Quốc nhắm vào các hoạt động dầu khí của các quốc gia khu vực trên Biển Đông.

Người đứng đầu Lầu Năm góc không cho biết rõ các hoạt động của lực lượng Mỹ tiến hành “theo dõi sát sao các hành vi không tuân thủ luật pháp quốc tế” ở Biển Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước đó, lực lượng Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đã triển khai nhiều hoạt động như Washington khẳng định là nằm trong khuôn khổ của việc “thực thi quyền tự do hàng hải” (FONOPS) ở Biển Đông mà họ đã thực hiện theo Chiến lược Quốc phòng được ban hành năm 2018.

Theo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ ngày 29-4 vừa qua, tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill của Mỹ đã tuần tra ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi có những thực thể và đá ngầm bị Trung Quốc cưỡng chiếm và bồi đắp, cải tạo phi pháp thành những đảo nổi nhân tạo. Cùng thời gian này, tàu khu trục USS Barry của Mỹ cũng hoạt động trong vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Giới chức Mỹ cho rằng các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải và hàng không cũng như quyền tự do đi lại của mọi loại tàu thuyền ở đây. Việc hai tàu chiến của Mỹ được triển khai ở Biển Đông là nhằm hỗ trợ các chiến dịch duy trì an ninh và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trước phát biểu ngày 4-5 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Lầu Năm góc cũng đã điều phi đội gồm 4 máy bay ném bom chiến lược B-1B cùng với 200 binh sĩ từ căn cứ Không quân Dyess ở bang Texas (Đức) đã đến căn cứ Andersen nằm trên đảo Guam ở Thái Bình Dương vào ngày 1-5. Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ (STRATCOM) cho biết, nhiệm vụ của phi đội máy bay ném bom chiến lược B-1B này là hỗ trợ lực lượng tại Thái Bình Dương và đồng minh, tham gia các nhiệm vụ mang tính răn đe chiến lược, ổn định trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đây là lần đầu tiên các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ trở lại Guam ở Thái Bình Dương sau khi rời khỏi căn cứ Andersen vào giữa tháng 4-2019, kết thúc chiến dịch 6 tháng triển khai tại đây của các loại máy bay ném bom chiến lược của Mỹ là B-52, B-1B và B-2. Loại máy bay ném bom B-1B có khả năng chở nhiều vũ khí nhiều hơn máy bay     B-52, trong đó có bom dẫn đường JDAM và tên lửa hành trình chống hạm.

Cộng đồng quốc tế lên án và đáp trả yêu sách chủ quyền phi pháp
Việc triển khai lực lượng của Mỹ tại Thái Bình Dương vừa qua, nhất là hoạt động tuần tra ở Biển Đông của các tàu chiến Mỹ, được cho là sự đáp trả và răn đe những hành động mà Washington công khai lên án là hăm dọa và bắt nạt của Trung Quốc trên vùng biển này. Giới chức Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định, việc thực thi FONOPS nhằm cho thấy sự hiện diện liên tục ở Biển Đông, Mỹ muốn thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không và nguyên tắc quốc tế vốn làm nền tảng an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Sứ mệnh FONOPS được Lầu Năm góc dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump triển khai  trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hành vi sức mạnh nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, đòi chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông. Yêu sách đơn phương này đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), căn cứ theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), bác bỏ trong phán quyết đưa ra ngày 12-7-2016 về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc.

Theo FONOPS, nhiều lần tàu chiến Mỹ đã tiến hành tuần tra vào trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo, thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông nhằm phát đi thông điệp bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh. Cùng với Mỹ, Anh, Australia… cũng ủng hộ các hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đáp trả cứng rắn những yêu sách chủ quyền phi pháp.

Mới đây, đã xuất hiện những ý kiến trong khu vực về việc hải quân các nước thành viên ASEAN tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông. Dư luận cho rằng đây là giải pháp để đáp trả  đối với “sự leo thang nghiêm trọng” từ các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nguồn ANTĐ

0 comments:

Đăng nhận xét