20 thg 1, 2020

Thâm nhập 'lò' dạy làm giàu bằng TikTok tại Trung Quốc: Học phí siêu đắt, học viên không cần nổi tiếng, chỉ cần tiền

Với sự bùng nổ của Tiktok tại Trung Quốc, một loạt khóa học dạy kiếm tiền trên Douyin đã xuất hiện, vốn hứa hẹn sẽ chia sẻ những bí kíp đắt giá giúp các nhà sáng tạo nội dung có thể hốt bạc.
Việc nổi tiếng trên Douyin đã mang lại nguồn thu nhập khổng lồ từ quảng cáo cho không ít nhà sáng tạo nội dung.

Tại phòng hội thảo của một khách sạn ở thành phố Thẩm Quyến, hơn 20 người đang chăm chú theo dõi một người đàn ông đang say sưa thuyết trình trên sân khấu. Theo SCMP, họ tới đây để tham dự một khóa đào tạo về cách kiếm tiền trên Douyin – phiên bản ‘nội địa’ của ứng dụng chia sẻ video ngắn nổi tiếng TikTok. Không ít người trong số này đã bỏ ra 9800 tệ (tương đương 33 triệu VNĐ) để học cách tạo ra các video hấp dẫn, thu hút được hàng triệu lượt xem trên Douyi. Dĩ nhiên, lượt xem càng nhiều, cơ hội kiếm tiền tỷ càng lớn.

Zhang Bo, 38 tuổi, chuyên gia về Douyin của công ty Guyizouhong, đang đứng trên sân khấu thuyết giảng về bí quyết tạo ra các video ‘triệu views’. Với giọng nói hào hứng, Zhang chia sẻ câu chuyện một người làm nội dung trên Douyin đã kiếm được 700 nghìn nhân dân tệ trong vòng 3 ngày.

Được biết, người này đã học theo phương pháp của Zhang Bo, bao gồm việc tương tác với người xem 10 phút một lần khi họ xem livestream. Một học viên khác cũng kiếm được 100 nghìn tệ chỉ trong một ngày, theo khẳng định của Zhang. Mặc dù chưa rõ tính xác thực của những câu chuyện này đến đâu, nhưng ở phía dưới, một loạt học viên tỏ ra rất ấn tượng với lời của Zhang, liên tục ghi chép vào quyển sổ của mình.

Kiếm tiền là trên hết
Với 400 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, Douyin đang là nền tảng chia sẻ video ngắn hàng đầu tại Trung Quốc. Theo sát Douyin là Kuaishou – nền tảng video được chống lưng bởi Tencent, với 200 triệu người dùng hàng ngày, theo số liệu tính tới tháng 5/2019. Hai ứng dụng hàng đầu này chiếm 54,2% thị trường ứng dụng video ngắn tại Trung Quốc, vượt xa các đối thủ cạnh tranh như Xigua và Huoshan, vốn chỉ chiếm 22% thị phần, theo Viện nghiên cứu công nghiệp Qianzhan.

Li Jiaqi - một trong những KOL nổi tiếng nhất Trung Quốc đang thử son môi trong một buổi livestream

Việc nổi tiếng trên Douyin đã mang lại nguồn thu nhập khổng lồ từ quảng cáo cho không ít nhà sáng tạo nội dung. Li Jiaqi - một trong những KOL nổi tiếng nhất Trung Quốc, đã kiếm được 10 triệu nhân dân tệ một năm bằng việc quảng cáo các sản phẩm làm đẹp trên nhiều nền tảng mạng xã hội, trong đó có Douyin. Với 37,6 triệu người theo dõi trên nền tảng video này, tên tuổi của Li Jiaqi lớn đến mức Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, đã tham gia một chương trình phát sóng của anh vào năm 2018.

Joey Wang, CEO của Chenjin Culture, một công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông cho biết, một tài khoản Douyin có từ 3  - 5 triệu người theo dõi có thể kiếm được từ 50 nghìn đến 100 nghìn tệ khi đăng tải một video quảng cáo có thời lượng vài chục giây.

"Ở công ty chúng tôi, Influencers (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội – NV) có thể nhận 30-40% doanh thu từ quảng cáo", Wang tiết lộ.

Tuy nhiên, không phải ai nào cũng có mức thu nhập khủng như Li Jiaqi. Số lượng người làm nội dung là rất lớn, nhưng những người có thể kiếm ra tiền nhờ Douyin lại không nhiều. Sự cạnh tranh gay gắt trên các nền tảng chia sẻ video lớn đến mức, một loạt khóa học dạy kiếm tiền trên Douyin đã xuất hiện, vốn hứa hẹn sẽ chia sẻ những bí kíp đắt giá giúp các nhà sáng tạo nội dung có thể hốt bạc.

Một học viên đang đặt câu hỏi làm sao để có thể tạo ra các clip 'triệu views'

Đáng nói, chi phí để tham dự những khóa đào tạo này không hề rẻ. Con số 9800 tệ một số học viên chi ra cho khóa học 1 tuần tại công ty Guyizouhong cao hơn rất nhiều so với mức thu nhập trung bình hàng tháng của nhiều người dân Trung Quốc, vốn chỉ từ 2000 đến 5000 tệ. Tuy nhiên, với những học viên tham gia buổi hội thảo của Guyizouhong, số tiền này ‘đáng để bỏ ra’.  

Trong số những học viên đăng ký tham gia khóa đào tạo, có những người mới chập chững bước vào mảng làm video trên Douyin, mang theo ước mơ làm giàu từ nền tảng video này. Trong khi đó, cũng có những người sở hữu những tài khoản Douyin có hàng trăm nghìn lượt xem, nhưng vẫn loay hoay trong việc kiếm tiền.

Li Xilin, 40 tuổi, chủ một công ty về giáo dục, là một học viên tham dự lớp học dạy làm giàu từ Douyin của Guyizouhong. Mặc dù cảm thấy ‘có đôi chút nghi ngờ’, câu chuyện một người  làm nội dung đã kiếm được tới 700 nghìn tệ nhờ làm video trên Douyin đã thôi thúc ông bỏ tiền ra tham dự buổi đào tạo của Guyizouhong. Hiện tại, công ty giáo dục của Li Xilin có tới 900.000 người theo dõi trên Douyin. Tuy nhiên, công ty của ông Li vẫn chưa tìm ra phương hướng kiếm tiền từ người xem.

Không cần sáng tạo, chỉ cần đạo ý tưởng người khác cũng hái ra tiền
Khá bất ngờ, phần lớn học viên tham dự lớp học dạy làm giàu từ Douyin không hề quan tâm tới việc trở nên nổi tiếng. Với họ, việc làm sao kiếm được tiền từ người xem lại quan trọng hơn nhiều so với việc trở thành người nổi tiếng trên mạng.

Với diễn viên người Tây Tạng Awangduoji (áo trắng), sự nổi tiếng không quan trọng bằng số tiền kiếm được

Awangduoji (30 tuổi) cho biết, anh coi Douyin giống như một bàn đạp để có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Mục tiêu của Awangduoji là tăng thêm số lượng người theo dõi trên Douyin, đồng thời thu hút thêm khách hàng tới quán café của anh thông qua nền tảng này.

"Trở nên nổi tiếng thật vô nghĩa", diễn viên người Tây Tạng cho biết. Mặc dù đã đóng một vài quảng cáo cũng như xuất hiện trong một số vở kịch và phim truyền hình, Awangduoji khẳng định mình sẽ "hạnh phúc hơn nhiều nếu có thể quy đổi lượng người xem trên Douyin ra tiền".

Với mục tiêu chính là kiếm càng nhiều tiền càng tốt, việc tự sáng tạo ra các nội dung nguyên bản không được khuyến khích trong lớp học dạy làm giàu từ Douyin của Guyizouhong. Thay vào đó, học viên được khuyến khích theo dõi các kênh Douyin nổi tiếng nhất, sau đó ‘đạo’ lại hoàn toàn ý tưởng và nội dung của những kênh này.

"Nhớ kĩ này, chúng ta không phải là thiên tài", ông Zhang Bo nói. "Chúng ta không cần phải mạo hiểm nghĩ ra những nội dung hay ý tưởng hoàn toàn nguyên bản". Theo SCMP, lối tư duy của vị chuyên gia này gợi nhớ lại những gì người Trung Quốc từ lâu nay luôn bị chỉ trích - bắt chước người khác thay vì tự mình sáng tạo.

Zhang Bo - Chuyên gia về Douyin đang giải đáp thắc mắc của học viên

Hao Ming, 37 tuổi, hiện đang sở hữu một công ty thương mại xuyên biên giới, thậm chí còn mong muốn trở thành một học viên dài hạn. Hao Ming khẳng định, anh sẽ ngừng công việc kinh doanh nếu kiếm được tiền từ Douyin. Việc tham gia vào các khóa học dạy kiếm tiền từ các nền tảng video sẽ là bước đi đầu tiên trong kế hoạch của Hao Ming. Doanh nhân này khẳng định, anh thà bỏ tiền ra để học hỏi từ các chuyên gia hơn là tự mình mày mò và có nguy cơ mất tiền oan.

"Mỗi nền tảng sẽ có những cạm bẫy riêng và tôi muốn biết những cạm bẫy đó ở đâu (đối với Douyin) trước khi tôi bắt đầu", Hao nói. "Việc tham gia một lớp học như thế này cho tôi cơ hội gặp gỡ những người cùng chí hướng, thậm chí có thể giúp đỡ lẫn nhau".

Theo SCMP, việc những lớp học kiểu này có thật sự hữu ích hay không chưa thể khẳng định. Tuy nhiên, tờ báo này đã đặt ra một câu hỏi: Nếu những chuyên gia này thật sự có khả năng dạy người khác kiếm tiền ‘khủng’, tại sao họ không tự mình thực hiện theo bí quyết đó để làm giàu?

Tham khảo SCMP

0 comments:

Đăng nhận xét