22 thg 1, 2020

KBSV: Áp lực trả nợ 'dồn nén' trong năm 2020-2021 có thể gây xáo trộn thanh khoản NSNN

Chuyên gia của KBSV đánh giá áp lực trả nợ “dồn nén” trong năm 2020-2021 có thể là rủi ro gây xáo trộn tới thanh khoản cho ngân sách nhà nước (NSNN), nhưng chưa quá lo ngại.
KBSV: Áp lực trả nợ 'dồn nén' trong năm 2020-2021 có thể gây xáo trộn thanh khoản NSNN

Năm 2019, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) tiếp diễn xu hướng giảm nhẹ, ở mức 3,4% GDP.

Cụ thể hơn, nguồn thu ngân sách từ thuế thể hiện những tiến triển tích cực, tăng 4% trong năm 2019.

Dữ liệu sơ bộ năm 2019 cho thấy số thu từ thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tăng gần 10% nhờ quản lý thuế tốt hơn. Số thu từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã tăng gần 20% nhờ mở rộng cơ sở tính thuế.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước gần như giữ nguyên so với năm trước. Đáng chú ý là áp lực chi trả nợ lãi tăng gần 14%. Trong khi đó, những tắc nghẽn, thắt chặt giải ngân đầu tư công đã kiềm chế chi tiêu của Chính phủ trong năm.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), bội chi NSNN đang ở mức hợp lý, thấp hơn tương đối so với tốc độ tăng trưởng GDP, giúp giảm tỷ lệ Nợ công/GDP dự kiến xuống 56,1%, mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây.

Đáng chú ý, chuyên gia của KBSV đánh giá áp lực trả nợ “dồn nén” trong năm 2020-2021 có thể là rủi ro gây xáo trộn tới thanh khoản cho NSNN, nhưng chưa quá lo ngại.

Chi tiết hơn, Bộ Tài Chính cho biết sẽ có khoảng 10,3% danh mục nợ trong nước của Chính Phủ đến hạn trả. Đây là những khoản trái phiếu chính phủ (TPCP) kì hạn 5 năm được phát hành trong 2 năm 2015-2016. Từ năm 2017, các kì hạn TPCP đã được kéo dài và phân bổ hợp lý hơn, trải dài ở kì hạn 15 năm, 20 năm và 30 năm.

Dù vậy, theo KBSV năng lực trả nợ của Việt Nam vẫn được đảm bảo, được thể hiện qua tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp hàng năm chiếm 15-16% tổng thu ngân sách, vẫn dưới mức trần quy định và khuyến nghị của quốc tế là 25%.

Việc Moody hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia chỉ liên quan tới nghĩa vụ nợ chính phủ bảo lãnh, mà theo Bộ Tài Chính là do sự thiếu nhất quán trong phối hợp hành chính để thanh toán nghĩa vụ nợ dự phòng.

Cùng với đó, việc áp dụng số liệu GDP theo cách tính mới từ năm 2020 sẽ giúp hạ tỷ lệ Nợ công/GDP, tạo dư địa phát hành thêm trái phiếu, từ đó giúp Chính phủ có thêm dư địa để hoán đổi và cơ cấu lại nợ, theo quan điểm của KBSV.

Ngoài ra, điều kiện lãi suất thuận lợi giúp giảm áp lực chi phí vay nợ của chính phủ. Mặt bằng lãi suất các kì hạn dài đang rơi xuống mức thấp kỉ lục.

KBSV có quan điểm lạc quan về độ khả thi cũng như tiến độ giải ngân đầu tư công trong năm 2020.

Lý do thứ nhất là Luật đầu tư công vừa thông qua được kì vọng sẽ giải quyết được những yếu kém trong hệ thống quản lý đầu tư công.

Thứ hai, hàng loạt các dự án trọng điểm quốc gia đang được Chính phủ hết sức chú trọng, trong đó có thể kể đến 2 đại dự án là cao tốc Bắc – Nam và sân bay Long Thành kỳ vọng sẽ được triển khai trong năm 2020.

Bên cạnh đó, việc cải thiện hệ thống thuế giúp Chính phủ có thể tiếp tục gia tăng nguồn thu từ thuế, qua đó tạo dư địa tài khóa cho chi tiêu. Thời gian gần đây, Chính phủ đã gia tăng truy thu doanh nghiệp vi phạm chuyển giá như Coca-Cola với 821 tỷ đồng và Heineken với 917 tỷ đồng.

Hai nhóm ngành được KBSV kỳ vọng hưởng lợi từ yếu tố này là vật liệu xây dựng (cung cấp nguồn nguyên liệu cho các dự án xây dựng của Chính phủ) và nhóm xây dựng (trực tiếp tham gia đấu thầu xây dựng các dự án hạ tầng giao thông).

Nguồn VNF

0 comments:

Đăng nhận xét