22 thg 1, 2020

Có một lớp người chạy trốn Tết

Một bộ phận giới trẻ ngày nay lựa chọn du lịch xa nhà thay vì về quê sum họp với gia đình trong dịp Tết. Trước khi trách họ ích kỷ, hãy nghe xem họ nói gì.

M, 30 tuổi, bần thần nhìn chiếc vé bay tới Philippines ngày 29 Tết. Đây sẽ là chuyến du lịch Tết xa nhà đầu tiên sau bao nhiêu năm của anh. Nửa háo hức, nửa lo sợ, M biết bố mẹ sẽ rất giận vì anh là con một và chưa bao giờ lỡ một cái Tết nào kể từ khi lên thành phố đi làm và lấy vợ. Anh nhìn xuống điện thoại, phân vân vẫn chưa dám gọi về báo cho bố mẹ. Nhưng M biết mình đã chờ chuyến đi này lâu lắm rồi, và bởi cũng đã quá mệt mỏi trước những “thủ tục” Tết mà cả hai vợ chồng phải gồng gánh.

Đó cũng là tâm lý “chạy trốn” chung của nhiều người trẻ trước mỗi dịp năm mới. Họ làm việc 8 tiếng một ngày, nhiều khi hơn, trở về mà vẫn còn phải làm thêm việc freelance tới khuya, việc ngày hôm qua gối lên ngày hôm nay và ngày kia. Gen Y là thế hệ làm việc vất vả, đảm trách khối lượng công việc đồ sộ mà đôi lúc có thể vắt kiệt một con người. Tết đáng ra là khoảng thời gian nghỉ ngơi nhưng với thế hệ 20, 30 tuổi ngày nay, đó hẳn là một dịp đấu trí và đấu sức lực ra trò.

Dịp Tết vốn là lúc để đoàn viên, nhưng với M và vợ, đó là 2 tuần khủng hoảng khi phải ngược xuôi về quê vợ, quê chồng, dọn dẹp trước Tết, lo quà biếu, cúng bái. Đến tận tối ngày 30 vợ và mẹ anh vẫn lúi cúi trong bếp chuẩn bị mâm cỗ cúng. Một mâm phải đủ lễ: đèn, gạo, muối, nhang, chè, cháo trắng, xôi, bánh, gà luộc, trầu cau, mâm ngũ quả.

Năm ngoái vợ anh “được” giao nhiệm vụ chuẩn bị cỗ cúng. Cô quên một món trong mâm và rồi cả nhà phải tất tả đi tìm mua. M vẫn nhớ như in cảnh vợ mình mặt hốt hoảng, bố mẹ thì ngược xuôi hết chạy ra chợ lại vòng về. Anh cũng không nhớ nổi bao nhiêu lần trình bày đến mức cãi nhau vì những thủ tục Tết mà anh nghĩ có thể giản lược cho mọi người nhẹ nhàng.

Ngày mùng Một, M và vợ bị “quay” trong mớ câu hỏi của họ hàng.

“Bao giờ thì đẻ?”
“Thế có chịu đẻ không đấy?”
“Đẻ đi còn đẻ đứa nữa?”
“Đi làm lấy vợ rồi mà chưa có tiền mua ô tô à?”
“Lương tháng cao không năm nay biếu bố mẹ bao tiền?”
“Ơ đẻ đi hay là tịt rồi?”


Cũng là những người ấy, ba năm trước còn vặn hỏi M khi nào lấy vợ thì nay các câu hỏi trên mâm cơm đã được tiến hóa cho phù hợp tình trạng hôn nhân. Hội phụ nữ bao vây lấy vợ M. Còn M được kéo vào mâm các chú, ngồi lì từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Hết 6 chai rượu. Bố anh mặt đỏ gay, chỉ vào mặt anh:

“Đấy các ông nói thế nào chứ tôi nói thế nó *#%$ nghe thì chịu!”

M không uống rượu. Với cánh đành ông trong xóm, vậy coi như bỏ. Không uống rượu là không tôn trọng các chú rồi. Anh cười trừ và lắc đầu, cháu xin, cháu không uống được ạ. Có ông chú họ xa, đạn đại bác bắn không tới, vỗ đùi, mắt vằn lên:

“Mày nói thế là mày không nể chú!”

Vẫn ông chú ấy, năm ngoái uống ở nhà xong xách xe máy đi ra ngoài, đâm luôn vào cây cột điện đầu ngõ rồi đi bộ về.

Ở góc chỗ cái máy nước, vợ M vẫn còn đang dọn mấy mâm cỗ chưa xong. Anh buông đũa xin phép, ra dọn dẹp cùng vợ. Vài tiếng nữa, cô sẽ phải vào bếp để chuẩn bị cơm tối. Gà đã luộc mấy con. Giò dăm cái treo ở cửa sổ. Bánh chưng xếp lăn lóc trong rổ lớn, rổ bé.

Đàn ông Tết đã khổ, phụ nữ Tết còn khổ gấp mười.


Năm nay M và vợ quyết định chạy trốn bằng cách đi du lịch Tết.

Chiếc vé đi Philippines không phải là chuyện bồng bột hứng lên là đi, mà là kết quả sau nhiều cân nhắc của hai vợ chồng. Vé du lịch Tết đi đâu cũng đắt. M hiểu bố mẹ có lý do để giận khi hai đứa không về ăn Tết. Đó là điều “không thể chấp nhận được”, bố M từng nói vậy khi nghe chuyện con trai ông hàng xóm đi du lịch xuyên Tết năm ngoái. Các cụ nghĩ rằng, cả năm đi làm không gặp nhau (thực tế là gặp nhau khá nhiều đấy chứ, M nghĩ) thì Tết là dịp để đoàn viên, con cái thể hiện trách nhiệm với cha mẹ. Với người đi làm xa xôi thì không nói, đằng này cứ dăm bữa nửa tháng vợ chồng M lại về quê khi thì họp gia đình, lúc lại giỗ chạp.

Vậy, trách nhiệm cho bản thân được nghỉ ngơi sau một năm vất vả ở đâu?

M ước gì bố mẹ đã không biến Tết thành một sự kiện trọng đại quá mức khiến anh và vợ còn không dám đùa cợt khi về nhà. 3 ngày Tết là chuỗi những mâm cơm thịt ê hề chất lên như núi, khách khứa của bố mẹ mà anh chẳng nhớ nổi tên, những chén rượu sóng sánh ly trước chạm ly sau chan chát. M ước anh mạnh mẽ và khéo léo hơn trong những lần góp ý, để vợ chồng anh nhẹ nhõm hơn mỗi dịp Xuân về. M ước những người trong họ hàng có thể hiểu áp lực công việc lớn đến thế nào, mong họ có thể tôn trọng lựa chọn của người khác. M ước, giá như Tết này anh có thể đón bố mẹ cùng đi du lịch Tết với hai vợ chồng, hai cụ không nổi giận vì “cả nhà bỏ đi hết lấy ai cúng kiếng!”.

Nhiều người trẻ như M ước họ không phải chạy trốn bằng cách đi du lịch Tết.

Thế hệ lớn tuổi thường gọi gen Y, gen Z là lớp người “mất gốc”, sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân. Những người nay đã là cha mẹ, ông bà hẳn sẽ cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ đến những cái Tết mà con cháu không về sum họp, với lý do chúng bận du lịch Tết nơi xa, hưởng cái vui riêng. Rồi mình có còn bao nhiêu mùa Xuân vui vầy với chúng nó được đâu, mà cả năm không đi cứ nhè Tết nhất lại vắng mặt?


Nhưng bố mẹ có biết đâu, cả năm đi làm M phải trực liên miên, ngay cả những ngày nghỉ ngắn ngủi cũng bị điện thoại, email quấy rầy. Tết dường như là khoảng thời gian duy nhất không ai sách nhiễu, là lúc mà hai vợ chồng đáng ra có thể nghỉ ngơi thư giãn cùng nhau. Với cha mẹ, con cái là tất cả nhưng cha mẹ có hiểu cho các con, rằng chúng cũng có gia đình riêng cần chăm sóc.

Với M, vợ anh mới là người xứng đáng được có một cái Tết yên bình hơn anh. Đi sớm về muộn, chồng nghỉ phép thì mình phải đi làm, rồi việc nhà hai bên cũng phải lo toan. M nghĩ, một cái Tết sum họp với anh năm nay chỉ cần bên vợ là đủ rồi.

Buồn vui cả năm cũng qua hết, no dồn đói góp cũng cố cho cái Tết đủ đầy, hà cớ gì vì sự vắng mặt của một thành viên mà khiến Tết mất đi màu sắc? Cha mẹ, ông bà xin hãy vui cùng con cháu đón một cái Tết xa nhà chào năm mới phương xa. Để rồi những năm sau khi chúng trở lại, hãy để Tết trở về với nét hồn nhiên, vô tư như những đứa trẻ. Đừng biến dịp đoàn viên ấm cúng thành những ngày mâm cao cỗ đầy chờ người dọn rửa, tiệc nhậu thâu đêm suốt sáng, cuộc hạch sách không hồi kết về chuyện tiền bạc, nghề nghiệp, hôn nhân, con cái. Đừng để dịp năm mới trở thành gánh nặng. Người lớn ơi, hãy cho thế hệ trẻ lý do để không phải chạy trốn Tết một lần nữa.

Nguồn elle

0 comments:

Đăng nhận xét