5 thg 12, 2019

Bỏ làm lập trình viên tập đoàn lớn để đi giao hàng, tôi nhận ra: Chỉ sau 3 tháng đã thu nhập không kém, lại thoải mái gấp đôi vì chẳng cần nhìn mặt ai mà sống

Chẳng quan trọng mình làm việc ở đâu, dù là công sở sang chảnh hay chỉ là anh giao hàng, miễn là làm ra hiệu quả và không phải ép buộc bản thân những điều không thích là được.

Trên diễn đàn Weixin QQ, một bài đăng chia sẻ cảm nhận của một người đàn ông họ Trương, tự nhận mình từng là nhân viên lập trình của tập đoàn lớn, nhưng đã từ chức và chuyển sang làm nhân viên giao hàng đang thu hút nhiều sự chú ý. Bài đăng đã khiến nhiều cư dân mạng ngạc nhiên nhưng cũng không ít người tỏ ra nghi ngờ khi anh Trương chia sẻ về sự thay đổi tích cực mà công việc shipper đã mang lại trong 3 tháng vừa qua. Dù gây nhiều tranh cãi song mỗi chúng ta đều sẽ tìm thấy bài học đáng để suy ngẫm trong câu chuyện này:

Anh Trương, 28 tuổi, hiện là một người giao hàng. Bắt đầu trở thành shipper chuyên nghiệp mới được 3 tháng nhưng anh đã thay đổi rất nhiều. Từ một người lầm lì, ít nói, anh hoạt bát và năng động hơn. Mỗi ngày làm việc chăm chỉ, không ngừng nhận đơn, giảm thiểu thời gian rảnh rỗi dễ phát sinh những chi tiêu ngoài ý muốn, anh có thể phụ giúp kinh tế cho gia đình nhiều hơn. Tuy nhiên, vì tính chất công việc không ổn định nên anh phải chịu không ít dị nghị, nhất là vì trước đó, anh Trương vốn là một lập trình viên lâu năm tại tập đoàn lớn.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đi phỏng vấn vào bộ phận công nghệ thông tin của tập đoàn T.C., một tập đoàn lớn tại Trung Quốc tham gia vào nhiều ngành dịch vụ truyền thông, giải trí và giá trị gia tăng điện thoại di động. Sau 5 năm làm việc tại đây, anh đã cống hiến rất nhiều và có cơ hội được thăng tiến trở thành Giám đốc sản phẩm tại bộ phận này. Tuy nhiên, vì không có quan hệ tốt với cấp lãnh đạo, công việc của anh trong thời gian gần đây hiếm khi thuận lợi suôn sẻ. Với những dự án do nhóm của anh đề ra, thông thường, phải thuyết trình rất nhiều lần mới được cho phép thử nghiệm cùng với nguồn kinh phí cung cấp để phát triển chỉ bằng một nửa kỳ vọng ban đầu. Phải chịu quá nhiều stress, trong một lần thảo luận, anh nảy sinh mâu thuẫn và tranh chấp với lãnh đạo. Sau buổi họp hôm ấy, anh Trương phẫn nộ rời khỏi phòng làm việc và để lại đơn từ chức.

Khi đó, ở tuổi 28, việc tìm kiếm một công việc làm mới thích hợp với môi trường và điều kiện mà mình mong muốn không hề đơn giản như những gì anh Trương nghĩ ban đầu. 3 tháng ở nhà lần lượt đi tìm cơ hội ở những cuộc phỏng vấn khác nhau, anh đều không tìm được vị trí đúng với kỳ vọng của bản thân. Khi anh ngày càng lo lắng vì thời gian không thu nhập, không việc làm ổn định của mình thì tình cờ, anh được trải nghiệm kinh nghiệm trở thành một nhân viên giao hàng.

Không ngờ rằng, một vài lần thử làm shipper, anh Trương lại cảm thấy công việc này cũng không tệ, thu nhập khá cao nếu biết tính toán và chăm chỉ. Trong khi ngồi văn phòng làm lập trình, gõ số hiệu mệt mỏi về trí óc thì đi giao hàng chỉ khiến thân thể anh mệt mỏi, về nhà ngủ 1 giấc là xong. Không có chỉ tiêu KPI, không có deadline giao nộp sản phẩm, cũng không cần tốn kém chi phí xã giao quan hệ, không có cấp trên hay lãnh đạo để nhìn mặt mà sống.

Môi trường hành chính tuy ổn định nhưng phải đối mặt với nhiều rắc rối từ quan hệ cá nhân.

Thế là anh Trương quyết định đăng ký vào làm cố định cho một đơn vị giao hàng online. Vì chuyên chở thực phẩm, đồ ăn nên lúc nào cũng có vô số đơn hàng chờ anh đến lấy. Chỉ cần sắp xếp tuyến đường sao cho hợp lý, đảm bảo thái độ đúng mực, giao hàng trong thời gian cho phép thì anh dễ dàng kiếm về khoản thu nhập không hề thấp hơn so với hồi còn làm ở công ty.

Câu chuyện của anh được chia sẻ trên một trang mạng xã hội đã khiến nhiều người phải thay đổi suy nghĩ về thực trạng việc làm hiện nay. Trong ấn tượng của đại đa số mọi người, shipper là công việc lao động chân tay mà chỉ những ai thiếu kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp mới lựa chọn. Mà một nhân viên lập trình tại T.C. không thể không có bằng cấp, không có kỹ năng được.

Họ cũng cho rằng, anh Trương sẽ cảm thấy nản lòng, thất bại khi từ một tinh anh văn phòng rơi vào cảnh phải đi ship hàng để kiếm cơm. Thế nhưng, khi tìm tới trang cá nhân của anh, lại nhiều người kinh ngạc hơn khi thấy anh rất tích cực đối mặt với sự thay đổi của mình. Với tính cách của mình, anh Trương thậm chí còn thích ứng hoàn hảo với phong cách tự mình làm chủ công việc của mình như hiện tại, không phải chịu sự áp đặt hay sắp xếp từ bất cứ ai.

Trường hợp của anh Trương chỉ là một trong rất nhiều trường hợp tương tự như vậy. Khi bị sa thải, bị đuổi việc khỏi môi trường đã quen thuộc lâu năm, nhiều người không thể tìm kiếm được một công tác thích hợp cho mình. Do đó, họ phải đặt mình vào những sự lựa chọn không yêu cầu kinh nghiệm khác trong xã hội như tài xế, nhân viên chuyển phát nhanh, nhân viên giao hàng, làm thuê tại các cửa hàng, siêu thị... Có người nhanh chóng thích ứng với môi trường mới, nhưng có người luôn chìm trong mặc cảm về sự thất bại. Nguyên do chủ yếu nằm ở hai chữ "Thể diện". Khi họ cảm thấy công việc này "mất mặt", họ không thể thoải mái tận hưởng những gì mình đang làm mỗi ngày, cũng không thể đạt được bất cứ sự thay đổi tích cực nào.


Kỳ thực, bất kể trong sự nghiệp hay trong cuộc sống, mọi người ai rồi cũng sẽ phải trải qua những thất bại điển hình từ lớn tới nhỏ. Người yếu đuối thì gục ngã trong đó, không tìm được cách đứng lên. Nhưng kẻ mạnh mẽ thì luôn tận dụng thất bại để phát triển và vươn xa.

Nếu chỉ để ý tới ánh mắt hay ngôn luận của những người xung quanh, chúng ta khó có thể đạt được thứ mình muốn. Cuộc sống chính là như vậy, bất kể bạn làm gì, sẽ luôn có người đánh giá. Một số người nói bạn đúng, trong khi một số khác khẳng định bạn sai. Bởi vì quan điểm và cái nhìn của mỗi người, ở mỗi vị trí, lại có sự khác biệt, nên đương nhiên sự đánh giá của họ cũng khác nhau. Nếu để những điều này làm ảnh hưởng đến tâm trí, chúng ta rất dễ tự hoài nghi chính mình. Vì vậy, đôi khi hãy học cách bỏ ngoài tai những yếu tố ngoại cảnh và sống theo cách mà mình mong muốn.

Chỉ có đặt bản thân trong một môi trường thoải mái, dễ chịu, thoát khỏi sự gò bó và bức bách, chúng ta mới có thể phát huy được các thế mạnh của mình. Nếu biến công việc trở thành một gánh nặng, mỗi ngày chúng ta lại đối mặt với một cuộc chiến hành xác. Nếu coi công việc như một nguồn cảm hứng, mỗi ngày chúng ta đều vui vẻ và lạc quan tận hưởng chính mình.

Tham khảo Quora, Sohu 

0 comments:

Đăng nhận xét