30 thg 11, 2019

Cảnh giác trước các kiểu lừa đảo

Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của nhiều người, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều chiêu trò, đặc biệt là thông qua điện thoại, mạng xã hội… để chiếm đoạt tài sản của người bị hại. Vì vậy, công nhân lao động cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về những chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu để cảnh giác, tránh trở thành nạn nhân.
Công nhân lao động cần cảnh giác khi tham gia mạng xã hội để tránh bị lừa đảo (Ảnh Mai Quý)
Mất tiền vì cả tin

Thực tế cho thấy, hiện nay việc sở hữu một chiếc điện thoại thông minh để cập nhật tin tức và tham gia mạng xã hội đang rất phổ biến. Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo đã nhắn tin qua Zalo, Facebook, Viber, SMS, mạng xã hội khác… thông báo trúng thưởng trong chương trình tri ân khách hàng, khuyến mại, tặng quà sau đó yêu cầu khai báo thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và yêu cầu nộp tiền mặt hoặc gửi thẻ cào điện thoại để nhận quà.

Chị T.P.U, công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Nội Bài chia sẻ: “Cách đây không lâu tôi nhận được tin nhắn trên Facebook thông báo mình đã trúng thưởng chiếc xe SH, phiếu tặng quà trị giá cả trăm triệu đồng và thẻ sử dụng xăng miễn phí trong vòng 1 năm. Do nhẹ dạ cả tin và nghĩ mình may mắn nên tôi đã liên hệ theo hướng dẫn để nhận giải thưởng.

Tôi bị yêu cầu nộp một khoản tiền để làm hồ sơ bằng hình thức nạp thẻ cào điện thoại qua trang web, sau đó tôi tiếp tục bị yêu cầu phải nộp 10% tổng giá trị giải thưởng mới được nhận quà. Do số tiền quá lớn, không đủ khả năng của tôi nên tôi đã hỏi vay mượn bạn bè và chia sẻ câu chuyện của mình, cũng vì thế mà tôi biết được đây là chiêu lừa đảo của kẻ xấu. Tôi chấp nhận mất một khoản tiền trong nỗi ấm ức và coi đó là cái giá của sự nhẹ dạ cả tin”.

Thông qua việc lừa đảo bằng hình thức thông báo may mắn nhận giải thưởng, các đối tượng lừa đảo chủ yếu đánh vào sự nhẹ dạ cả tin của người dùng với những món hời lớn. Khi truy cập và hoàn tất các thủ tục, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người dùng nộp lệ phí bằng nhiều hình thức như chuyển khoản, nạp thẻ cào...

Tùy vào giải thưởng và mức độ lừa đảo mà các đối tượng xấu đưa ra mức phí phải nộp cao hay thấp.Tinh vi hơn, có nhiều website còn được lập ra để người dùng hoàn tất hồ sơ với việc đăng nhập tài khoản Facebook trên website lừa đảo. Từ đó, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển tài khoản và phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo mượn tiền, mua thẻ điện thoại hộ đến những tài khoản bạn bè trong danh sách của người dùng.

Không chỉ lừa đảo qua mạng xã hội, các đối tượng xấu còn tiếp cận, lừa mọi người mua hàng với hình thức trả góp tại nhà. Chia sẻ về câu chuyện buồn của mình, chị V.T.L, công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa cho biết: “Nhớ lại quãng thời gian khi mới xuống đây làm việc, tôi đi sắm sửa đồ dùng sinh hoạt cho gia đình, thấy có người bán đồ rẻ mà lại được trả góp nên tôi quyết định mua một bộ xoong nồi và bát đĩa thủy tinh, nồi cơm điện với giá 800.000 đồng và trả trước 400.000 đồng.

Tháng đầu tiên, nhân viên đến thu tiền góp là 200 nghìn đồng thì chiếc nồi cơm điện vẫn hoạt động tốt. Tuy nhiên, đến tháng tiếp theo thì chiếc nồi bị hỏng, không sử dụng được, nhân viên thu tiền cũng không xuất hiện nữa. Bỏ công đi tìm hiểu, tôi mới phát hiện toàn bộ đồ dùng mình mua chỉ đáng giá 300.000 đồng. Từ đó, tôi luôn tự nhắc mình không ham đồ rẻ để trở thành con mồi của các đối tượng lừa đảo”.

Đẩy mạnh tuyên truyền cho công nhân lao động
Nhằm giúp công nhân lao động chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về những chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu để cảnh giác, tránh trở thành nạn nhân, các cấp Công đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực như thông qua bảng tin Công đoàn, các buổi tập huấn, tuyên truyền…

Ngoài ra, lực lượng Công an của thành phố cũng đã triển khai dán các thông báo cảnh báo các thủ đoạn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại các khu vực có đông công nhân lao động sinh sống, đồng thời đề nghị khi phát hiện thấy hiện tượng lừa đảo cần thông báo cho lực lượng Công an gần nhất để xử lý.

Các thủ đoạn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm: Gọi điện xưng danh nhân viên Bưu điện thông báo nợ cước điện thoại, xưng danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thông báo liên quan đến vụ án, nợ thẻ tín dụng và yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản của họ cung cấp;

Khi mua, bán hàng online, đối tượng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản người bán để đặt cọc và đề nghị truy cập vào đường link để xác nhận, làm theo yêu cầu này sẽ bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Đối tượng thường xin phép cơ quan để tổ chức hội thảo để quảng cáo về công dụng, tiện ích rất tuyệt vời và các khuyến mại để lôi cuốn mọi người mua hàng với giá rất cao nhưng thực chất sản phẩm rất rẻ tiền, công dụng không như ý.

Đối tượng lừa đảo nhắn tin qua Zalo, Facebook, Viber, SMS, mạng xã hội khác… tỏ tình, tặng quà có giá trị hoặc nhờ nhận tiền, nhận quà từ người nước ngoài để giữ hộ, sau đó gọi điện thoại xưng danh nhân viên hải quan yêu cầu nộp tiền vào tài khoản của họ để nhận được quà, tiền.

Hoặc thông báo trúng thưởng trong chương trình tri ân khách hàng, khuyến mại, tặng quà sau đó yêu cầu khai báo thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và yêu cầu nộp tiền mặt hoặc gửi thẻ cào điện thoại để nhận quà; hack các nick của mạng xã hội giả làm người thân quen gửi tin nhắn đến đề nghị chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại thì cần gọi điện trực tiếp để xác minh trước khi chuyển tiền.

Đối tượng tổ chức “Tour du lịch 0 đồng”, đưa đi tham quan, du lịch và được đưa đến một địa điểm bán hàng. Với những lời quảng cáo và khuyến mại, tặng quà hấp dẫn người mua phải mua hàng với giá rất cao trong khi đó là hàng kém chất lượng. Đối tượng là người nước ngoài giả vờ hỏi đường, đổi tiền hoặc mua hàng có giá trị thấp nhưng trả tiền mệnh giá cao để yêu cầu trả lại tiền thừa, sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng làm quen, chia sẻ về khả năng chữa được bệnh nan y, sau đó xuất hiện đối tượng khác đóng vai là người bán thuốc để lừa đảo. Khi giao dịch tại cây ATM chú ý phát hiện bất thường (dấu vết băng keo dán, bàn phím mới, camera mini ghi hình), đánh cắp thông tin tại vị trí bàn phím, khe đọc thẻ, xung quanh. Đối tượng có thể sử dụng thông tin đánh cắp được để làm giả thẻ ngân hàng và rút tiền.

Một số thủ đoạn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, mạng xã hội: Đối tượng lừa đảo nhắn tin qua Zalo, Facebook, Viber, SMS, mạng xã hội khác… tỏ tình, tặng quà có giá trị hoặc nhờ nhận tiền, nhận quà từ người nước ngoài để giữ hộ, sau đó gọi điện thoại xưng danh nhân viên hải quan yêu cầu nộp tiền vào tài khoản của họ để nhận được quà, tiền. Hoặc thông báo trúng thưởng trong chương trình tri ân khách hàng, khuyến mại, tặng quà sau đó yêu cầu khai báo thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và yêu cầu nộp tiền mặt hoặc gửi thẻ cào điện thoại để nhận quà; hack các nick của mạng xã hội giả làm người thân quen gửi tin nhắn đến đề nghị chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại thì cần gọi điện trực tiếp để xác minh trước khi chuyển tiền.

Nguồn LĐTĐ

0 comments:

Đăng nhận xét