16 thg 10, 2019

Cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang: 'Tôi không có tội'

HÀ GIANG - Bà Triệu Thị Chính (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) thừa nhận có lỗi khi nhờ xem điểm cho con lãnh đạo, người thân chứ không có tội.
Bị cáo Triệu Thị Chính (Cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) khẳng định không phạm tội 
Chiều 15/10, tại TAND tỉnh Hà Giang, bị cáo Triệu Thị Chính (Cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) khẳng định không phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo điều 358 Bộ luật Hình sự 2015, như cáo trạng truy tố.

Theo cáo trạng, ngày 28/6-1/7/2018, bà Chính (khi đó là Phó chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng ban chấm thi kỳ thi THPT quốc gia 2018) gặp Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục) và đưa tờ giấy ghi thông tin của 13 thí sinh để nhờ nâng điểm môn ngữ văn.

Ông Hoài đồng ý nhưng trong quá trình chấm thi vẫn chưa thể can thiệp nâng điểm vì ngày 7/7/2018 Vũ Trọng Lương (phó phòng khảo thí) bị phát hiện vận chuyển bài thi trắc nghiệm sai quy chế, khiến thanh tra giám sát chặt chẽ hơn trong quá trình ghép phách.

Tại cơ quan điều tra cũng như trả lời trước HĐXX, ông Hoài khẳng định trong 13 thí sinh, bà Chính nhờ nâng điểm môn ngữ văn cho 12 người và xem điểm cho một em. Là người trực tiếp nâng điểm, bị cáo Vũ Trọng Lương cũng khai từ khoảng 30/6/2018 đến ngày 1/7/2018 được ông Hoài đưa cho danh sách 13 thí sinh.

Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thể hiện trong điện thoại của bà Chính có nội dung tin nhắn với một số người đã nhờ giúp đỡ thí sinh. Cơ quan chức năng cho biết, ngoài các căn cứ nêu trên hành vi phạm tội của cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang còn được chứng minh bằng các lời khai của những người có liên quan, các dữ liệu điện tử trong hồ sơ vụ án.

Chiều nay, đứng trước bục khai báo với tập tài liệu để cạnh, bà Chính phản đối toàn bộ những nội dung trên. Bà khẳng định chỉ "nhờ xem điểm, không nhờ nâng điểm" và không thống nhất số điểm cần nâng với cấp dưới.

Theo bà, ông Hoài không thể có khả năng nâng điểm ở môn ngữ văn bởi học sinh làm bài trên giấy, chấm tay chứ không chấm máy. Nữ bị cáo cho hay với 28 năm công tác, từng là giáo viên dạy văn nên rất hiểu quy trình. Một bài được coi là đã chấm xong khi giám thị hoàn thành ba phiếu điểm với hai lần chấm chéo bởi hai giám thị độc lập, không biết nhau. Bài thi cần có chữ ký của hai giám thị, và chữ ký của trưởng môn chấm thi, trưởng ban chấm thi.

Là trưởng ban chấm thi nhưng khi bài thi đến tay, phách đã được rọc, mang đi niêm phong, bà không biết bài nào của thí sinh nào. Người làm phách còn được cách ly ở một điểm khác. Bà Chính vừa nói vừa cầm mẫu tài liệu bài thi giơ cao trước bục khai báo để chứng minh. "Việc sửa điểm chỉ được thực hiện khi lộ mã phách. Nhưng ở kỳ thi tại Hà Giang không có chuyện lộ khóa phách. Tôi hiểu không thể sửa được điểm môn văn", bà Chính nói chậm, nhấn nhá từng câu chữ.

Bà Chính cũng phản đối lời khai của bị cáo Vũ Trọng Lương với lập luận, người này không nhìn thấy bà đưa danh sách 13 thí sinh mà chỉ nghe qua ông Hoài. "Việc đưa lời khai của Lương về vấn đề này vào cáo trạng, tôi thấy không thuyết phục", bị cáo nói. Với những lời khai của ông Hoài, bà Chính cũng cho rằng ông này quanh co, đổ tội cho mình.

Khi bị xét hỏi về 13 thí sinh, bị cáo Chính khai lập danh sách trên máy tính ở cơ quan. Bà nhận tin nhắn của sáu người nhờ xem điểm, trao đổi lại với cấp trên là ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Ông Sử sau đó ngỏ ý quan tâm tới điểm thi của con một cán bộ giáo dục trong tỉnh. Ngoài ra, bà còn nhận tin nhắn nhờ xem điểm của một một số lãnh đạo tỉnh Hà Giang.

Với con của Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Tài Vinh (nay là Phó ban Kinh tế Trung ương), bà Chính nghe ông Sử nói: "Năm nay có con bí thư thi". Thấy "thầy Sử sống tình cảm", bà tự động đã tự đông giúp đỡ mà không cần ông phải nói ra.

Tương tự, với con trai của Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Văn Khuông, bà cũng tự đưa tên vào danh sách cần giúp nâng điểm vì biết ông này sẽ "chẳng bao giờ nhờ vả".

Tiếp tục phủ nhận cáo buộc và lời khai của cấp dưới, bà Chính khẳng định không nhờ bị cáo Hoài nâng điểm môn trắc nghiệm cho thí sinh nào. "Tôi có lỗi khi tôi là trưởng ban chấm thi nhưng đã nhờ anh Hoài xem điểm, chưa gương mẫu, để tình cảm xen vào công việc. Tôi đã để anh Hoài, anh Lương nâng điểm. Nhưng tôi không vi phạm pháp luật, không phạm tội", cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang khẳng định nhiều lần trong hơn hai giờ bị thẩm vấn.

Ngày mai, phiên tòa tiếp tục làm việc.

Trong vụ gian lận điểm thi THPT 2018 tại Hà Giang, 107 thí sinh đã được nâng điểm qua 309 bài thi. Trong số này có con gái của Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm lúc đó, ông Triệu Tài Vinh. 5 bị cáo trong vụ án gồm: Cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Triệu Thị Chính (51 tuổi) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo điều 358 Bộ luật Hình sự 2015. 

Ông Phạm Văn Khuông (60 tuổi, cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) và bà Lê Thị Dung (cựu phó đội trưởng đội giáo dục Phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang) cùng bị xét xử về tội Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, theo điều 366 Bộ luật Hình sự 2015.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng phòng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang), Vũ Trọng Lương (41 tuổi, cựu phó phòng) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.

Nguồn VNEXPRESS

0 comments:

Đăng nhận xét