5 thg 10, 2019

Cái răng bê tông xấu xí, khối u dị hợm trên đèo Mã Pí Lèng

Khi thủy điện được xây dựng, sông Nho Quế “thăm thẳm sương khói, mảnh như một sợi chỉ” trở thành một cái lạch nước. Sau khi Tòa nhà Panorama 7 tầng mọc lên ở chính điểm ngắm hẻm vực sông, “cái mũi con ngựa” giống như thể mọc lên một khối u bê tông vậy.

“Sẽ rất nhanh thôi, những chiếc răng sâu bê tông sẽ lổn nhổn mọc lên bên bờ dốc hùng vĩ này khi “một cái kiếm được tiền sẽ mọc lên những cái khác”- bình luận của Nhà báo Trần Đăng Tuấn trước hình ảnh tòa nhà bê tông 7 tầng “mọc dại” trên đỉnh Mã Pí Lèng- một trong tứ đại đỉnh đèo, trái tim, linh hồn của cao nguyên đá.

Nhớ khi Hà Giang quyết xây thủy điện bậc thang trên sông Nho Quế, đã có quá nhiều cảnh báo khi việc tích nước hồ thủy điện sẽ làm mực nước sông dâng lên 25m, phá vỡ cảnh quan hiếm có của đèo Mã Pí Lèng và sông nho Quế. Mà dâng đâu không dâng, đúng đoạn qua hai xã Xín Cái, Giàng Chu Phìn, đúng đoạn hẻm Tu Sản.

Những cảnh báo quả nhiên không sai. Từ sau khi thủy điện tích nước, sông Nho Quế “thăm thẳm khói sương, mảnh như một sợi chỉ” trở thành một cái lạch nước. Bờ dốc hùng vĩ chợt hóa tầm thường.

Giữa phát triển kinh tế và bảo tồn cảnh quan, rất tiếc là người ta đã chỉ nhìn thấy tiền.

Và cái tư duy ấy, càng hiển hiện rõ hơn khi sáng nay, Chủ tịch huyện Mèo Vạc Nguyễn Cao Cường nói rằng huyện đã có kế hoạch điều chuyển quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng đất để “Cấp phép cho dự án theo đúng quy định”.

Vậy là sao?

Vậy là dù cái răng sâu kia là xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích, nhưng chính quyền đang tìm cách để nó được hợp thức. Bởi “huyện từ lâu đã muốn đầu tư điểm dừng chân này nhưng không có kinh phí nên khi tư nhân muốn làm, chúng tôi rất chào đón, không kịp giải quyết thủ tục hồ sơ".

Mèo Vạc nói riêng, Hà Giang nói chung hút khách là bởi những cánh đồng tam giác mạch bạt ngàn, là những khe núi ngập hoa cúc dại, là Mã Pí Lèng với dòng Nho Quế hiện đại.

Nếu ồ ạt thủy điện, ồ ạt bê tông có khác gì đô thị hóa núi rừng, có khác gì cắm răng trên sống mũi con ngựa (Mã Pí Lèng, tiếng Mông, nghĩa là sống mũi con ngựa), có khác gì vẩy mực trên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, có khác gì bán rẻ tự nhiên.

Cái công trình “bốn không”: Không giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không chứng nhận đầu tư, không cấp phép xây dựng, không có sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... phải được đập bỏ.

Cái răng bê tông xấu xí, khối u dị hợm ấy cần phải được nhổ bỏ.

Đó không chỉ là chuyện kỷ cương. Đó còn là cách giữ gìn, cách để lại cho con cháu vẹn nguyên những di sản vô giá của thiên nhiên. Chúng sẽ ngạc nhiên và phẫn nộ lắm nếu biết cha ông mình bán rẻ thiên nhiên như thế. 

Nguồn Báo Lao Động

0 comments:

Đăng nhận xét