24 thg 8, 2019

“Chạy 5 triệu Facebook cho con này ế chồng”: Mạng xã hội quyền lực thế sao?

Trong clip về nữ đại úy công an Lê Thị Hiền “đại náo” sân bay Tân Sơn Nhất với những lời lẽ tục tĩu, hung tợn chửi bới, xúc phạm nhân viên, an ninh hàng không, bà này còn có lời đe dọa nữ nhân viên Vietnam Airlines rằng “một ngày tôi phải chạy 5 triệu Facebook cho con này… ế chồng...”

Dùng lời lẽ chửi bới, xúc phạm còn chưa đủ…

Dùng hành động nắm áo nhân viên an ninh rồi la làng vu cáo “nó đánh tôi” cũng còn chưa đủ…

Phải dùng đến cả mạng xã hội để “triệt hạ” để “cho nó… ế chồng, mà có con thì ra dị tật” thì mới thỏa ác tâm.

Mạng xã hội Facebook lâu nay vẫn nhiều thật - giả lẫn lộn. Việc nói xấu, xúc phạm nhau trên Facebook diễn ra khá phổ biến; thậm chí tình trạng xuyên tạc, bịa đặt thông tin thất thiệt về người khác cũng tràn lan...

Nhiều đối tượng xấu, có động cơ cá nhân hoặc mục đích riêng còn dùng Facebook để bôi nhọ, tung tin giả nhằm gây hiểu lầm trong cộng đồng.

Trên Facebook hiện có một số dịch vụ mà những đối tượng xấu hay hành động vì mục đích tư lợi cá nhân, kích động thù hằn có thể lợi dụng để xuyên tạc, bôi nhọ, tấn công cá nhân, tổ chức, như: Quảng cáo nhấp chuột dẫn link, quảng cáo video, quảng cáo thúc đẩy post trên trang…

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc một Cty quảng cáo trực tuyến tại TP.HCM, kênh tiếp nhận dịch vụ quảng cáo trên Facebook có bộ lọc nội dung về tấn công cá nhân, xúc phạm, xuyên tạc…

Những nội dung này có thể được viết theo cách khéo léo, lách để che đậy, nhưng sau đó bị người đọc báo cáo sai phạm thì Facebook cũng sẽ xem xét xử lí.

Tuy nhiên, bộ lọc của Facebook cũng như YouTube chưa bao giờ được xem là đủ chặt chẽ và tuyệt đối. Bằng chứng là thời gian qua, lượng tin giả, vu cáo chính trị, xuyên tạc, bôi nhọ… đầy rẫy trên môi trường Facebook và YouTube.

Cách thứ hai, đối tượng xấu có thể thuê các Facebooker nổi tiếng, có lượng người theo dõi lớn để đăng các status với các nội dung không đúng sự thật như đề cập ở trên để hạ bệ đối phương.

Nhờ có lượng người theo dõi lớn, có uy tín, những Facebooker làm thuê này còn có thể lan truyền những nội dung ra các nhóm, diễn đàn khác trên Facebook một cách rộng rãi hơn.

Thực trạng thật – giả lẫn lộn trên Facebook đang như vậy, là một đại úy công an, bà Lê Thị Hiền còn đe dọa “chạy 5 triệu Facebook” để dựng chuyện nói xấu người khác là điều không thể chấp nhận được. Đó không chỉ là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức, mà chính là tư duy mầm mống dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, hiện nay, các Facebooker uy tín và được nhiều người biết đến cũng đủ tỉnh táo để cân nhắc sự thiệt hơn khi “chạy views” cho những yêu cầu như bà Hiền đề cập. Khả năng rơi vào các nick ẩn hay tài khoản giả mạo nhiều hơn, những đối tượng này dễ bất chấp thư hư câu chuyện đúng sai ra sao mà chủ yếu chỉ tập trung vào lợi lộc cá nhân.

Chính vì thế gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Facebook chỉ cho phép các tài khoản đã định danh được livestream như một chế tài nhằm hạn chế các tài khoản ảo, giả mạo thường hành động “ném đá giấu tay” hay “gắp lửa bỏ tay người”.

Nguồn Báo Lao Động

0 comments:

Đăng nhận xét