13 thg 6, 2019

Cộng đồng mạng nổi giận vì từ cửa hàng trà sữa tới CEO người Nhật kỳ thị tài xế Grab: Cùng là khách hàng, dù họ làm nghề gì cũng đáng được tôn trọng

Xét cho cùng, các tài xế giao hàng công nghệ cũng là một khách hàng. Vì thế, họ cũng cần được tôn trọng và phục vụ như bao khách hàng khác.

Trong những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một quán trà sữa ở Hà Nội dán thông báo "Cấm Grab không lên tầng trên" khiến cộng đồng mạng xôn xao, đặc biệt là các tài xế giao hàng công nghệ. Nhiều ý kiến cho rằng, tờ thông báo này thiếu tôn trọng đối với những người làm tài xế giao hàng công nghệ.

Theo thông tin trên mạng xã hội, tấm biển này xuất hiện ở cửa hàng trà sữa Toco Toco trên đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội. Hàng ngày, có rất nhiều tài xế của các hàng giao đồ ăn trực tuyến đến mua hàng cho theo yêu cầu của khách. Lượng tài xế đông đảo đã khiến không gian tầng 1 của quán đã nhỏ hẹp lại càng thêm chật chội. Vì thế, trong khi chờ đến lượt, nhiều tài xế đã lên tầng trên ngồi chờ và vô tình làm ồn ào, ảnh hưởng đến khách hàng của quán.

Trên hội Facebook, nhiều người đưa ra ý kiến trái chiều về thông tin này. Đa số cho rằng, tờ thông báo tại quán trà sữa là không hợp lý và có ý miệt thị với những tài xế giao hàng công nghệ. Theo họ, những tài xế này được khách ủy quyền đi mua hàng giúp, họ giao dịch trả tiền sòng phẳng thì cũng là một khách hàng, mua sản phẩm và sử dụng dịch vụ. Vì thế họ cũng cần được tôn trọng và phục vụ như bao khách hàng khác của quán.

Thậm chí, nhờ sự phát triển của dịch vụ giao hàng công nghệ, doanh thu của các quán được đảm bảo hơn, giúp các nhân viên hoàn thành chỉ tiêu tốt hơn. Vì thế, trừ những tài xế giao hàng công nghệ thật sự vô ý thức, trái với tiêu chuẩn ý thức chung của xã hội, thì tại sao các cửa hàng lại xem thường họ, nếu không muốn nói là phải biết ơn họ.

Trao đổi với báo chí, đại diện hệ thống TocoToco thừa nhận sự việc trên có xảy ra. Tuy nhiên, vị này khẳng định đó không phải chủ trương của hãng và cửa hàng. Vị đại diện cho biết, tấm biển thông báo "Cấm Grab không lên tầng trên" là ý kiến của chủ nhà. Chủ nhà mà quán trà sữa Toco Toco thuê mặt bằng cũng đã khẳng định thông tin này. Lý do người này đưa ra là vì một số tài xế giao hàng thiếu ý thức thường xuyên gây tiếng ồn lớn, thậm chí đập cửa lối lên phòng ở của gia đình.

Hiện tại tờ thông báo với nội dung nhạy cảm tại quán trà sữa đã bị gỡ bỏ. Thay vào đó, một dòng thông báo khác xuất hiện trên tầng 2 của quán trà sữa, yêu cầu khách hàng giữ trật tự để tránh ảnh hưởng đến chủ nhà.

Trước đó, một cửa hàng Burger King trên đường Nguyễn Tri Phương, TPHCM cũng gây tranh cãi khi dán thông báo yêu cầu các tài xế Grab Good, Go-Viet xếp ghế gọn gàng sau khi nhận đồ ăn (để ship cho khách hàng), nếu không sẽ từ chối phục vụ.

Thông báo này của Burger King đã tạo nên làn sóng phản ứng dữ dội từ phía cộng đồng những người sử dụng dịch vụ gọi giao hàng công nghệ cùng như các tài xế công nghệ. Câu chuyện được các tài xế công nghệ chia sẻ trong nhiều hội nhóm trên mạng xã hội và kêu gọi cộng đồng "vote 1 sao" để "dằn mặt" cửa hàng. Theo họ, lời lẽ mà cửa hàng Burger King đưa ra là một sự phân biệt đối xử dành cho cánh tài xế.

Mới đây, vấn đề này một lần nữa gây ồn ào khi một doanh nhân người Nhật có tên K.H - hiện đang là CEO sáng lập và điều hành một công ty công nghệ tại Việt Nam đã thể hiện thái độ xấu của mình đối với những tài xế công nghệ tại Hà Nội khiến cộng đồng mạng tức giận.

Cụ thể, K.H chia sẻ trên trang cá nhân Twitter như sau: "Starbucks ở Hà Nội gần đây có nhiều tài xế Grabfood với bộ dạng bẩn bẩn thường xuyên lui tới. Định hướng về không gian thư giãn của Starbucks đang dần bị phá vỡ. Phía cửa hàng nên xem thế nào đi thì hơn. Nó chẳng còn là một không gian thư giãn hướng đến sự cao cấp, thanh lịch đồng nhất trên toàn cầu mà bản thân Starbucks đã xây dựng".

Chia sẻ của K.H đã nhận hàng loạt "gạch đá" của cộng đồng mạng Twitter. Rõ rằng, K.H là một CEO, một doanh nhân thành đạt những lại không có sự thấu hiểu nghề nghiệp của người khác. Những shipper đến Starbucks để mua hàng suy cho cùng cũng là một khách hàng. Họ mua đồ uống rồi rời đi ngay để giao cho khách, cũng chẳng ngồi quá lâu để khiến người khác khó chịu. Trong trường hợp, họ có ngồi lại để thưởng thức một cốc cà phê do chính mình bỏ tiền ra mua thì K.H cũng không có quyền yêu cầu Starbucks đuổi khách vì lý do ...bẩn bẩn.

Lời lẽ và thái độ của K.H đã khiến không ít người tức giận. Ngay cả cộng đồng Twitter Nhật bản cũng bày tỏ sự bức xúc:

Một tài khoản thể hiện sự bức xúc: "Ngay cả khi ông chú kia bẩn bẩn tôi vẫn không cảm thấy khó chịu bằng "sự bẩn thỉu" này của anh".

Trong khi đó, người dùng @Uretachino bình luận: "Đây rõ ràng là một sự phân biệt nghề nghiệp, địa vị. Ở những nơi này, nếu trả tiền, mọi người đều bình đẳng. Không có trên dưới. Thật sự khó chịu với thái độ của anh".

Hiện tại, bài viết của K.H trên trang cá nhân đã được chỉnh sửa, nhưng điều đó không khiến sự bức xúc của cộng đồng giảm xuống. Đó không chỉ đơn thuần là cảm xúc cá nhân mà còn phản ánh thái độ phân biệt (nghề nghiệp, địa vị, tài chính...) của anh này, trong khi việc phân biệt này bị toàn thế giới lên án và bài trừ từ lâu.

Nguồn CafeF

0 comments:

Đăng nhận xét