16 thg 4, 2019

Người Việt hung dữ là 'sự thật phũ phàng' hay 'để bảo vệ mình'?

Lời nhận xét thật lòng của người bạn nước ngoài rằng "người Việt là những người hung dữ" đã "động chạm" đến tâm tư của rất nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online.

Tham, sân, si là do sống vội
"Đọc bài viết mà giật mình, vì đó là sự thật, sự thật phũ phàng không thể chối cãi", bạn đọc Nguyễn Xuân Mạnh thừa nhận.

Theo độc giả Duc Luong, đây là "vấn đề nhức nhối mà đa số người Việt chưa thực lòng muốn thừa nhận và thay đổi": hung hăng, ích kỷ, tham lam, và hay bao biện cho thái độ xấu của mình.

Ví dụ "không biết chờ đợi, đèn đỏ chừng 6 giây đã bóp còi" như bạn đọc trieuminhquang...@gmail.com chỉ ra, hay "đụng xe là cãi nhau, cố tình to tiếng để trấn áp người kia mặc dù mình sai nhè, nhắc nhở va chạm giao thông cũng đâm chết người, xem hàng mà không mua là ăn chửi" như cảm nhận của độc giả Tran Dan.

"Ngang tàng và rất bất lịch sự" là cách độc giả này miêu tả cách ứng xử mà mình chứng kiến hằng ngày.

Đến nỗi như độc giả Nguyễn (nh...@yahoo.com) chia sẻ: Giờ đi ra đường chuyện gì cũng phải thận trọng không thì dễ bị đâm, chém, tạt axit...

Không ít độc giả cũng thẳng thắn nhìn nhận chính những thói xấu đó trong chính mình. "Tôi thấy loáng thoáng dáng dấp của mình trong bài viết (tôi nghiêm khắc với con cái, đôi khi có thái độ hung dữ khi con phạm lỗi). Tôi biết mình phải làm gì sau khi đọc bài viết này", độc giả Phương Minh thành thật.

Bạn đọc Thái Nguyễn Ngọc cũng "mắc cỡ với chính mình" khi không che giấu rằng bản thân "nhiều khi hung dữ với vợ, con mình quá đáng".

Theo độc giả Nghia Ngo, nguyên nhân dẫn đến cách ứng xử tham, sân, si đó là do sống vội, bon chen, nghi kỵ. "Không khó để thấy nhiều người thích về nông thôn du lịch, ngoài để trải nghiệm cuộc sống trong lành, còn muốn tận hưởng sự yên bình, thật thà và tràn ngập tình yêu thương của những người dân quê", độc giả này phân tích.

Độc giả Bạch Ngọc thì nhìn vào văn hóa để cắt nghĩa vì sao "người Việt ngày nay hung dữ hơn so với cách nay 60 năm": Nguồn gốc của vấn đề là triết lý sống đã thay đổi nhiều. Ngày trước, người ta sợ phạm tội với trời đất và sợ làm phiền lòng hàng xóm láng giềng. Ngày nay, nhiều người sẵn sàng phạm tội miễn là có tiền, có quyền, con cái mình được lợi hơn con cái người.

"Ngày nay, nhiều người tin và thực hành phong thủy, mua thần bán thánh nhiều hơn trước và không ngại lấn lướt láng giềng, dù là một rẻo không gian hay một bao rác. Chính sự thay đổi triết lý sống đó làm cho người Việt trở nên hung dữ hơn. Mức độ hung dữ tăng tỉ lệ thuận với lòng tham và sự đánh mất tinh thần công bình", độc giả này viết.

Số ít trong hơn 90 triệu dân
Ngược lại, bạn đọc Nguyễn Phú Huê "không nghĩ tiêu cực như vậy". "Ở xã hội nào thì người tốt, tử tế vẫn chiếm số đông. Có điều truyền thông bây giờ ít nói về những việc tốt, người tốt mà ở đâu ta cũng gặp, mà nói nhiều về những cái xấu, cái ác. Nhưng thực ra nó chỉ là số rất ít trong một nước hơn 90 triệu dân", độc giả này viết.

Độc giả Nguyễn Quỳnh Như cũng cho rằng những người nước ngoài khi đến Việt Nam lần đầu, may mắn gặp chuyện tốt, người tốt thì "thích du lịch và yêu người Việt vì họ thân thiện, dễ mến", còn không may gặp kẻ xấu thì sẵn sàng đánh giá tất cả người Việt Nam.

"Ở đâu cũng xen lẫn người tốt người xấu, vậy mới hình thành nên xã hội. Nếu chỉ có 1 loại người thì lúc đó bạn đang ở 1 trong 2 chỗ: thiên đường hoặc địa ngục", độc giả thẳng thắn chia sẻ quan điểm.

Bạn đọc Nguyễn Tiên Điền cũng nhấn mạnh "người các nước khác có hung dữ", bởi vì trong mỗi con người ai ai cũng đã có sẵn cái thiện và cái ác, chỉ là môi trường nào để phát huy cái thiện và hạn chế cái ác mà thôi.

Hay như bạn đọc Tuan (vina...@gmail.com) chia sẻ: "Hãy qua Trung Quốc xem có phải lúc nào họ cũng xếp hàng không. Qua Nhật hay Hàn Quốc xem có phải lúc nào người ta cũng vui vẻ trả lời giúp đỡ du khách như người Việt không".

Độc giả bachhoadan...@gmail.com thì cố gắng phân tích bản chất của sự hung dữ: "Hung dữ nhưng không tham lam và không bon chen. Hung dữ để bảo vệ mình trước những người đe dọa, thậm chí đến nhà mình gây rối lần thứ 2 vì lần thứ nhất mình im lặng dạ vâng người ta nói mình nhu nhược".

Bất đắc dĩ như vậy nên không ít độc giả lo lắng rằng "đến một lúc nào đó, những người tử tế sẽ không thể sống tử tế trong xã hội toàn những người hung dữ, họ cũng sẽ trở nên hung dữ".

Dạy con trẻ rằng "hung dữ" là thói xấu
Theo độc giả Thanh Danh, thực trạng này trong xã hội Việt Nam cho thấy sự thiếu sót của việc dạy đạo đức trong nhà trường và gia đình, từ sách giáo khoa cho đến sự làm gương của cha mẹ.

"Cách giáo dục của phụ huynh ngày nay còn thờ ơ với con trẻ về đạo đức làm người mà chỉ biết chăm chăm về vật chất sao cho con cái có đầy đủ nhất", độc giả nhận định.

"Nếu từ khi còn trên ghế nhà trường, thầy cô dạy rằng ‘hung dữ’ là thói xấu kém văn minh thì lớn lên xã hội sẽ bình yên hơn. Chỉ những người yếu đuối bất lực trong ứng xử, không thắng được bản thân thì mới đem ‘hung dữ’ xử sự với người khác. Bản thân họ không đủ bản lĩnh, trí tuệ để nghĩ ra những cách ứng xử thông minh và nhân văn đạt hiệu quả cao hơn thì mới dùng 'hung dữ' là giải pháp cứu vãn sự bất lực của bản thân" - độc giả MC (leemil...@gmail.com) phân tích.

Vì vậy mà độc giả Trần Phi nhấn mạnh ngắn gọn: "Giáo dục là gốc, cả gia đình và xã hội".

Độc giả Bùi Quang Tuấn còn chỉ ra vai trò của không chỉ giáo dục, mà còn của pháp luật trước thực trạng này: "Con hư tại cha mẹ không dạy dỗ không đúng mực, dân chúng hư tại pháp luật và thực thi pháp luật".

Bạn suy nghĩ gì trước nhận xét của người nước ngoài rằng người Việt thật hung dữ? Trong cuộc sống của những người xung quanh bạn và bản thân bạn, không "hung dữ" thì có sống được không? Hãy chia sẻ với Tuổi Trẻ Online qua phần bình luận bên dưới hoặc gửi email về địa chỉ tto@tuoitre.com.vn . Xin cảm ơn!

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét