12 thg 4, 2019

Cứ 3 người đi phỏng vấn thì 1 người mắc phải sai lầm này: Quyết định thay đổi sự nghiệp của bạn hoặc trở thành kẻ thất bại trong mắt nhà tuyển dụng!

Thật buồn cười khi nhiều bạn trẻ sẵn sàng cò kè vài nghìn để mua cái áo cái quần nhưng lại lo lắng khi đàm phán tiền trăm tiền triệu cho quyền lợi của chính mình.

Bạn vừa qua được vòng phỏng vấn đầy cam go và thở phào nhẹ nhõm khi đã thuyết phục được doanh nghiệp mời đến thử việc đúng không? Vậy giờ chắc bạn đang thở phào nhẹ nhõm và tự chúc mừng bản thân đã nỗ lực vượt qua tất cả?

Không nhé! Bạn mới chỉ vượt qua một phần thử thách quan trọng khi bắt đầu công việc mới. Bạn chỉ thực sự giành được phần thưởng lớn nhất của cuộc chơi khi thương lượng thành công một mức lương xứng đáng và đòi hỏi đủ những quyền lợi cho bản thân tại doanh nghiệp.

Theo thống kê của các nhà tuyển dụng, các lợi ích cũng như quyền lợi của ứng viên đều được doanh nghiệp cởi mở chia sẻ, thì chỉ có ⅓ người đến phỏng vấn thẳng thắn đề cập đến nó. Đây thực sự là một sai lầm nghiêm trọng phải trả giá bằng tiền bạc. Hãy tưởng tượng đến bạn có thể đàm phán một mức lương khởi điểm là X và nhìn ngắm nó tăng lên theo tháng, theo năm, tỷ lệ thuận với những cố gắng của bạn trong công việc, còn cảm giác nào tuyệt vời hơn thế? Chỉ bằng một câu hỏi, 30 giây, bạn sẽ có trong tay những cơ hội bạn không thể tưởng tượng ra trong một năm hoặc có thể là một thập kỷ gắn bó với công ty.

Tại sao nhiều bạn trẻ lại bỏ qua cơ hội này? Chỉ đơn giản là sợ - một nỗi sợ mơ hồ và ngớ ngẩn. Các bạn trẻ mới ra trường hoặc ít có kinh nghiệm xin việc, đàm phán lương thường cảm thấy ngại ngần và khá vụng về khi nói đến chuyện tiền nong. Thậm chí văn hóa Á Đông còn khiến nhiều người cho rằng đây là chủ đề cấm kỵ. Hãy nghĩ đơn giản thôi! Xin việc giống như đi săn, vậy sau mỗi hành trình, kết quả cụ thể nhất bạn thu được là gì? Nói ra những điều bạn muốn hay chấp nhận một mức lương lẹt đẹt không xứng đáng? Đó là quyền của bạn!

1. Suy nghĩ kỹ trước khi đến buổi phỏng vấn
Nếu bạn bước vào một cuộc phỏng vấn mà chưa có sẵn một con số trong đầu, bạn đã là kẻ thất bại trong mắt nhà tuyển dụng!

Bởi điều đó chứng tỏ khi quyết định chọn công việc này, bạn vẫn chưa hiểu được rõ trách nhiệm của mình, do đó càng không nắm được mức lương hay lợi ích bạn có thể đạt được từ vị trí đó. Nếu thông tin tuyển dụng chưa đủ rõ ràng, bạn cũng có cả kho tài nguyên hỗ trợ bạn có thể tìm kiếm mức lương tương đương của những người cùng vị trí, ngành và cả vị trí địa lý.

2. Không nghiêm túc và mơ hồ tiền bạc
Nhiều bạn trẻ thường khá ngại ngần và né tránh câu hỏi về mức lương trước đây hay thu nhập hiện tại. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể tạo ra một cú hích cho thu nhập của bản thân nếu không thể trả lời câu hỏi này. Đừng ngại đưa ra một mức lương cao hơn trước đây, hoặc bạn sẽ trở thành kẻ kém cỏi trong mắt nhà tuyển dụng. Bởi đây là câu hỏi chứng tỏ nhà tuyển dụng đang đứng về quyền lợi của bạn, họ đã đưa ra câu hỏi dựa trên những đánh giá về những gì bạn đang làm và có tiềm năng trong tiêu chuẩn của công việc và thị trường. Đừng tự chuốc lấy một mức lương bất hợp lý rồi ca thán về sự bất công trên thế giới.

3. Đừng vội chấp nhận ngay lời đề nghị đầu tiên
Trước khi bạn ký vào một hợp đồng rõ ràng, bạn có quyền tự do đàm phán thậm chí cò kè bớt một thêm hai cho đến khi thỏa mãn với tất cả những lợi ích đi kèm với trách nhiệm công việc. Hãy nhớ rằng, bạn không chỉ đàm phán một mức lương cho các nhu cầu sống hiện tại, mà là cả một tương lai dài trước mắt. Đa phần mức tăng lương cũng thường được tính tỷ lệ so với mức lương cũ. Đừng để mất một số tiền lớn trong cả sự nghiệp cuộc đời chỉ vì một quyết định sai lầm của bạn ở tuổi 20.

4. Hãy đưa ra lý do hợp lý cho sự đòi hỏi của bạn
Đừng ngại nói thẳng những vấn đề tài chính của bạn khi yêu cầu một mức lương cao hơn. Bố mẹ bạn đã về hưu? Bạn cần chăm sóc con nhỏ? Đừng bỏ qua bất cứ cơ hội có thể giúp bạn tăng lương. Đừng nghĩ rằng bạn đang đòi hỏi lòng thương xót, bởi đây là vấn đề mọi người đều đang phải chật vật đối phó, và chỉ có những người thẳng thắn đối diện với nó mới có giải pháp để vượt qua. Chẳng ai quan tâm đến vấn đề cá nhân của bạn cả, điều nhà tuyển dụng quan tâm đó là họ phải trả bao nhiêu để khiến bạn yên tâm làm việc. Ngay cả người trả lương cho bạn cũng phải khổ sở vì những hóa đơn thanh toán mỗi ngày, đó là lý do chúng ta không ngừng tìm kiếm những công việc tốt hơn. Hãy dựa trên những tiêu chuẩn của ngành và thị trường, giá trị của bản thân và đòi hỏi một mức lương hợp lý.

5. Chấp nhận lời từ chối khi không đạt được thỏa thuận
Nếu bạn bị từ chối chỉ vì không tìm được thỏa thuận trong mức lương, đó không phải lỗi của bạn. Bạn đã cố gắng và thể hiện hết mình, chỉ là số tiền cần trả cho bạn quá ngân sách lương mà doanh nghiệp dự kiến mà thôi.

Bạn cũng có thể suy nghĩ đến việc lùi một bước để có được công việc trong mơ. Nhưng trước đó hãy nghĩ xem bạn đã tuyệt vọng đến thế trên hành trình tìm việc chưa? Bạn có lời đề nghị nào khác hay ho hơn không? Mức lương đó gần đến khoảng bao nhiêu so với kỳ vọng thật sự của bạn? Yếu tố nào của công ty có thể khiến bạn xoa dịu vấn đề tiền nong? Công việc chính là con đường nhanh nhất đưa bạn đến thành công, hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định.

Nguồn CafeBiz

0 comments:

Đăng nhận xét