10 thg 1, 2019

Kỹ năng sống sót trong giao tiếp dành cho người hướng nội: Đừng tự ép bản thân mình phải trở nên hòa đồng và có thể giao tiếp được với tất cả

Có những người đứng một mình, không phải vì họ không thể đứng chung với ai khác. Mà là vì họ không muốn những người khác, ai cũng có thể đứng chung với họ.

1. Luôn mang theo trong mình một cuốn sách 
Nếu bạn không cảm thấy như mình không thể hòa hợp ngay với mọi người, lấy một cuốn sách ra và đọc để tránh việc bản thân cảm thấy khó xử và là một cách hay để giết thời gian.

Đọc sách cũng là một cách hay để bạn tránh được hầu hết những hoạt động nhóm không cần thiết.

Mọi người thường sẽ có xu hướng tôn trọng khoảng thời gian riêng tư của bạn hơn khi bạn đang đọc một cuốn sách hay đang nghe nhạc; thay vì nhìn thấy bạn giả vờ cố gắng hòa hợp với mọi người. 

2. Chọn một người đang đứng một mình và bắt chuyện
Người hướng nội thường nói chuyện 1-1 tốt hơn là nói chuyện với một nhóm. Đây là một trong những điểm mạnh của bạn.

Tận dụng điểm mạnh này hết sức có thể bằng cách chọn một người mà bạn cảm thấy người đó đang ở trong tình thế giống như bạn, và bạn cảm thấy đây là người mình có thể tin tưởng. 

Nếu đó là người lạ, bạn có thể bắt đầu bằng một câu chào hỏi thông thường và đặt câu hỏi cho người đối diện để tiếp tục câu chuyện.

Nếu đó là một người bạn quen nhưng không thân, hãy đặt những câu hỏi liên quan đến người đó (nhưng tránh đề cập tới những đặc điểm người đó cảm thấy khó chịu). 

Thường mọi người sẽ thấy hứng thú khi được một người khác đặt câu hỏi về bản thân mình. Ai cũng có nhu cầu được chia sẻ những quan điểm cá nhân của mình, bạm chỉ cần làm cho người đó cảm thấy thoải mái để kể.

3. Thể hiện biểu cảm rõ ràng trên khuôn mặt
Vì bạn không nói được gì nhiều, nên biểu cảm trên khuôn mặt bạn sẽ nói hộ suy nghĩ của bạn nhiều hơn là bạn nghĩ.

Đảm bảo với bản thân là khuôn mặt bạn luôn có biểu cảm đún.g với suy nghĩ của bản thân. Bạn không muốn người khác hiểu lầm về mình chỉ qua nét mặt mà, đúng không?

4. Tránh xa những người không tôn trọng sự khác biệt của bạn
Nếu bạn cảm thấy như mình đang không được người khác tôn trọng, chỉ vì bạn làm những điều khác biệt với họ thì tốt nhất là bạn nên tránh xa những người đó, đây là những người chưa hình thành được ý thức tôn trọng sự khác biệt của người khác và thường phải sống một cuộc sống làm theo ý kiến của đám đông.

Nếu những lựa chọn trong cuộc sống của bạn không làm ảnh hưởng tới bất kì ai ngoại trừ chính bản thân bạn thì không việc gì bạn phải cúi mình chui xuống lẩn trốn trong một đám đông nào đó khác cả.

5. Nếu bạn không biết nói gì cả, hãy lắng nghe và đặt câu hỏi liên tục
Một trong những điều khó xử nhất khi giao tiếp đối với người hướng nội đó là, khi đến phiên mình nói, bạn chẳng biết phải nói gì cả.

Tôi thường xuyên rơi vào trường hợp này. Và tôi giải quyết nhanh việc này bằng cách đặt thêm một câu hỏi nữa cho người đối diện.

Câu hỏi này không nhất thiết là hỏi về họ, có thể bạn đưa ra một vấn đề nào đó mà bạn quan tâm và xin quan điểm của họ về vấn đề đó.

Miễn sao nó không phải là một vấn đề quá nhạy cảm về tôn giáo, chính trị và đó là vấn đề mà họ biết rõ (chắc chắn là họ phải biết rõ vấn đề này nhé); thì họ sẽ không ngại gì mà không chia sẻ quan điểm cá nhân của họ cho bạn.

Và họ còn thích việc bạn quan tâm đến quan điểm của họ nữa, như vậy thì cả hai đều cảm thấy vui.

Ghi chú dành cho bạn, người hướng nội, nếu như bạn đang đọc bài viết này:
Đừng bao giờ tự ép bản thân mình phải trở nên hòa đồng và có thể giao tiếp được với tất cả mọi người trên trái đất này. Việc đó chỉ đơn giản là không thể. 

Và nếu có thể, nó cũng không đáng để bạn phải từ bỏ con người thật của mình chỉ để trở nên "vừa vặn" trong một tập thể không phù hợp với bạn.

Và luôn luôn nhớ một điều: 
Có những người đứng một mình, không phải vì họ không thể đứng chung với ai khác. Mà là vì họ không muốn những người khác, ai cũng có thể đứng chung với họ.

*Bài viết được trích từ "Inspiration Blog" của tác giả Nguyễn Mỹ Chi.
Theo Trí Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét