28 thg 7, 2018

Xây dựng thành phố thông minh - Khơi dậy sức mạnh của big data

Khi được quản lý một cách khôn ngoan và phân tích một cách kịp thời, dữ liệu có thể trở thành tài sản quý giá nhất, giúp mở ra các giải pháp mới và thúc đẩy sự đổi mới và tiến bộ trong thành phố thông minh.
Hiện thực hóa mạng lưới đô thị thông minh
ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới với tổng giá trị GDP chạm mức 2,55 nghìn tỷ USD trong năm 2016, và được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 toàn cầu vào năm 2050.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đang gây áp lực lên các cơ sở hạ tầng và chính phủ gặp nhiều thách thức khi phải giải quyết các vấn đề tắc nghẽn giao thông đô thị, chất lượng nguồn nước, không khí, tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng gia tăng, khoảng cách giữa nông thôn - thành thị, an ninh và an toàn công dân. Để có thể tiến lên phía trước và hiện thực hóa mọi tiềm năng, chính phủ và khu vực tư nhân cần hợp tác để giải quyết những thách thức trên.

 Là một phần trong định hướng lãnh đạo của khu vực ASEAN năm 2018, Singapore đã đề xuất thành lập mạng lưới thành phố thông minh (ASCN) - nền tảng cho phép các nước thành viên hợp tác hướng đến mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh và bền vững, trong đó công nghệ là chìa khóa để cải thiện cuộc sống người dân.

Mạng lưới này sẽ triển khai thử nghiệm dự án tại 26 thành phố, chia sẻ những ý tưởng và thực tế ứng dụng tốt nhất về cách các công nghệ thông minh như công nghệ cảm biến, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp giải quyết các vấn đề phát sinh từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng.

Trên toàn khu vực ASEAN, các thành phố đã và đang đầu tư vào "các dự án thành phố thông minh", thử nghiệm mạng lưới vạn vật kết nối internet - Internet of Things (IoT) để tìm ra nhiều giải pháp khác nhau, từ công tác cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đến hoạt động quản lý tắc nghẽn giao thông trong giờ cao điểm.

Hợp nhất tất cả những nỗ lực này thông qua một nền tảng mang tính hợp tác như ASCN là động thái đúng hướng, giúp ASEAN khai thác tốt hơn các ý tưởng và khả năng trong khu vực, mang đến những thông tin chuyên sâu từ những cơ quan đầu não, kiến thức chuyên môn từ các nhà phát triển công nghệ hàng đầu và chính sách từ các tổ chức chính phủ ASEAN.

Điểm trọng tâm của sáng kiến ASCN là vai trò của công nghệ trong giải quyết những thách thức mà các đô thị trong khu vực phải đối mặt. Rõ ràng, dữ liệu là tài sản quan trọng nhất của một thành phố thông minh trong kỷ nguyên số ngày nay. Dữ liệu cung cấp cho chính phủ những thông tin chuyên sâu và tác động đến quyết định hoặc hành động cần thiết để giải quyết vấn đề.

Đối mặt với thách thức tương tự nhưng Buenos Aires, thủ đô hiện đại và đông đúc, đồng thời là vùng đất dễ ngập lụt của Argentina, đã nhận được kết quả khác hẳn. Tại đây, chính quyền địa phương đã triển khai một dự án tận dụng dữ liệu lớn (big data) nhằm cung cấp thông tin chuyên sâu về lượng mưa và mực nước trong mùa mưa bão.

Thành phố đã lắp đặt một mạng lưới cảm biến rộng lớn xuyên suốt hệ thống thoát nước ngầm dưới lòng đất, cho phép ghi lại thông tin về lượng mưa và mực nước trong mùa mưa rồi chuyển thông tin đó trong thời gian thực về cho các quan chức thành phố, tạo nên một hệ thống cảnh báo lũ sớm hiệu quả.

Tận dụng giải pháp Ứng dụng trí tuệ doanh nghiệp Oracle (Oracle Business Intelligence Applications) để phân tích kết quả, các chuyên gia của thành phố đã được trang bị khả năng dự báo tác động của các thay đổi lớn về thời tiết để có thể kịp thời cảnh báo cư dân về lũ lụt nguy hiểm có thể xảy ra.

"Các thành phố thông minh" dựa trên công nghệ đang đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về những tài nguyên khan hiếm bằng cách phát triển các tính năng mới như AI và phân tích dựa trên cảm biến để giải quyết vô số thách thức, từ vấn đề tội phạm đến tắc nghẽn giao thông.

Những thông tin chuyên sâu mới này sẽ cho phép các nhà quản lý thành phố xem xét các vấn đề cũ trong một tâm thế mới, khi nền tảng điện toán đám mây đang biến những nỗ lực này trở nên thực tế với chi phí hợp lý.

Đầu tư vào tương lai
Sự bùng nổ dữ liệu trong nền kinh tế kỹ thuật số đem đến cả cơ hội lẫn thách thức. Khi được quản lý một cách khôn ngoan và phân tích một cách kịp thời, dữ liệu có thể trở thành tài sản quý giá nhất, giúp mở ra các giải pháp mới và thúc đẩy sự đổi mới và tiến bộ trong thành phố thông minh.

Ngược lại, với dữ liệu và cơ sở hạ tầng nhỏ lẻ, khả năng truy cập dữ liệu thấp, quy trình xử lý thủ công đầy rủi ro và các tài nguyên đắt đỏ, doanh nghiệp sẽ khó có thể thu được lợi nhuận từ dữ liệu.

Nhiều khách hàng trong khu vực, ở cả khu vực công lẫn tư nhân, vẫn bị choáng ngợp bởi những thách thức trong việc quản lý dữ liệu doanh nghiệp hiện nay. Đáng chú ý hơn, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa coi trọng vấn đề này, bằng chứng là họ vẫn áp dụng những quy trình thủ công, trong đó dữ liệu được quản lý và chia sẻ thông qua hội thoại trực tiếp, các cuộc điện thoại, bảng tính và thư điện tử.

Để ASEAN có thể hiện thực hóa tầm nhìn trong việc kết nối các thành phố một cách thông minh và nâng cao đời sống người dân, các chính phủ và doanh nghiệp đều cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho tương lai và xác định các cơ hội cũng như những thành tựu đổi mới có giá trị và đáng đầu tư.

Khu vực ASEAN sở hữu nhiều tiềm năng để tạo nên "bước nhảy vọt" trong kỷ nguyên số, trong đó các công nghệ của dịch vụ nền tảng đám mây, công nghệ tự động, AI và blockchain là những nhân tố góp phần tạo nên thành công đó.

(*) Tác giả là Giám đốc Điều hành khu vực ASEAN, Tập đoàn Oracle

0 comments:

Đăng nhận xét