14 thg 7, 2018

Phản ứng ra sao khi bị giáng cấp?

Trong quá trình làm việc, đôi khi việc cắt giảm lương chưa hẳn đã là tình huống xấu nhất trong nhóm "trạng thái công việc sa sút" mà thậm chí bạn còn có thể đối mặt với quyết định tệ hơn là việc bị giáng cấp.
Đây là tình huống có thể bạn đã biết: Một sáng nọ đến công ty, bạn bỗng nhận được thông báo rằng mình sẽ phải điều chuyển đến vị trí ít quyền hạn và trách nhiệm hơn, ít cơ hội phát triển nghề nghiệp hơn, hoặc ít tiếp xúc với các quản lý cấp cao hơn. Dù sếp đã dùng mỹ từ nào hay cố nói giảm nói tránh rằng “phân công lại trách nhiệm”, “tái chỉ định vai trò”, “giảm tải áp lực công việc” thì sau tất cả bạn khó lòng xoá đi hình ảnh trong đầu mình chính là bị giáng cấp.

Hoặc đột nhiên ngày kia, cấp trên gọi bạn vào phòng rồi thân tình chậm rãi mà rằng: “Cậu rất tốt nhưng mà tôi rất tiếc, sắp tới công ty buộc lòng phải điều chỉnh phạm vi công việc và lương của cậu rồi, lý do là…” Có thể nói, cảm xúc lúc này không khác gì “trời đang nắng bỗng đổ mưa”, bất kể sếp viện dẫn lý do gì để báo tin buồn, có xoa dịu thế nào thì sự thật không thể chối cãi là bạn đang có bước lùi trong công việc.

Làm thế nào giữ vững phong độ và đủ tỉnh táo để vượt qua thời kỳ khó khăn này đây? Cùng Career Buider Việt Nam tham khảo lời khuyên về 5 bước cần làm khi bị giáng cấp nhé!

#1. ĐÓN NHẬN “TIN DỮ”
Bạn có thể bị giáng cấp bởi nhiều lý do như: cắt giảm bớt vị trí trùng lặp sau khi sáp nhập công ty, tái cơ cấu bộ máy nhân sự, sắp xếp lại công việc để xử lý tình trạng hiệu suất thấp, hoặc tệ nhất là do bạn kém năng lực, không đạt yêu cầu... Với mọi trường hợp, có lẽ trong lòng bạn đều vẫn luôn là sự thất vọng, mất mát, lo lắng và cảm giác bị tổn thương lòng tự trọng.

Trong tất cả những việc cần làm khi đón nhận tin không vui, điều quan trọng hàng đầu chính là đối diện với cảm xúc của bản thân. Mọi thứ đều có thể để sau, riêng cảm xúc bạn phải làm chủ ngay lập tức, trước khi gây nên những sai lầm đáng tiếc. Đối diện nghĩa là bạn nhận thức tình hình và hành xử thích hợp.

Tất nhiên là cảm xúc đang dâng trào của bạn cần được giải toả. Chắc hẳn bạn rất muốn gào to lên, đập bàn ghế hoặc trách cứ ai đó. Lời khuyên là đừng bao giờ cố gạt bỏ cảm xúc này sang một bên, bởi nó sẽ bật ra vào lúc không ngờ nhất, khiến bạn bối rối và làm hình ảnh bạn càng thê thảm, kém chuyên nghiệp hơn thôi. Cũng đừng “giận cá chém thớt” mà trút sự bực dọc lên sếp hay đồng nghiệp. Hãy cho phép cảm xúc bộc lộ ở nơi an toàn và riêng tư, thậm chí nếu bạn muốn khóc thì hãy cứ khóc! Khoa học đã chứng minh rằng nước mắt không hề xấu, nó có thể giúp bạn cân bằng lại tâm trạng, bớt buồn đau, bớt giận dữ.

#2. TÌM SỰ ĐỘNG VIÊN VÀ CHIA SẺ
Bên cạnh đó, bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ hợp lý từ gia đình hoặc bạn bè. Bị giáng cấp là một nỗi đau, vì cảm giác bị từ chối, giảm tín nhiệm, không ghi nhận nỗ lực. Hãy liên lạc với những người bên ngoài công việc mà bạn tin tưởng và nể trọng để kể lại sự việc. Mục đích không phải nhằm lên án công ty hay tìm đồng minh bênh vực cùng bạn chửi bới “cuộc sống bất công”, mà là có thêm sự tham khảo và tư vấn cần thiết để có thể ứng xử với lời chỉ trích trong trường hợp ai đó lợi dụng tình huống để khích bác bạn chẳng hạn. Nên cần tìm những người thâm trầm, chín chắn, khách quan rồi chia sẻ và lắng nghe họ tư vấn, khuyên nhủ. Ngay cả khi thông tin mù mờ đến nỗi người thân không thể giúp bạn tìm ra được hướng đi tích cực thì sau thời gian trút nỗi lòng, bạn cũng sẽ bình tĩnh lại. Sau đó, bạn hoàn toàn có thể tự mình cân nhắc và giải quyết vấn đề.

#3. TÌM HIỂU LÝ DO
Sau khi đã kiểm soát được trạng thái cảm xúc, hãy quay lại ngồi xuống với cấp trên để khám phá lý do, hiểu cặn kẽ mọi việc xem sai ở đâu. Tìm hiểu chính xác điều đã xảy ra, đưa đến kết quả bạn là người bị giáng cấp. Hiệu suất của bạn sụt giảm và không đạt yêu cầu? Tái cơ cấu ngành, thị trường thay đổi, công ty điều chỉnh chiến lược khiến kỹ năng và chuyên môn của bạn bị tụt hậu? Phải hỏi cho được lý do xác đáng và cốt lõi để hiểu thấu đáo vấn đề. Điều này không chỉ nhằm giải quyết thắc mắc hiện tại mà còn tốt cho bạn trong tương lai, dù ở công ty nào. Nếu năng lực đang có những lỗ hổng, phải tìm cách lấp đầy nó ngay hôm nay.

Song song đó, bạn cần đưa ra các minh chứng cụ thể, mạnh mẽ về giá trị và hiệu quả của mình trong công việc. Chủ động trình bày với sếp rằng bạn đã và vẫn liên tục đóng góp, luôn theo sát từng hoạt động, bước tiến của công ty. Nhấn mạnh rằng bạn quan tâm đến các vấn đề và không ngừng tập trung khắc phục chúng, nên hãy giúp bạn!

Tuy nhiên, có cố né tránh thì sự thật vẫn là công ty đã rà soát, cân nhắc và chính thức quyết định giáng cấp bạn, chứ không phải một người khác. Vì thế, dù đau lòng, hãy chấp nhận rằng sẽ rất ít cơ hội khiến công ty thu lại quyết định. Tuy nhiên, tất cả nỗ lực này là để cấp trên một lần nữa nhìn lại giá trị của bạn, để bạn khẳng định mình hiểu rõ năng lực bản thân đến đâu, để tự ghi nhận những thiếu sót cần hoàn thiện, và quan trọng nhất là đủ cơ sở cân nhắc nên làm gì tiếp theo.

#4. VÀ BẠN CÓ NÊN NGHỈ VIỆC?
Có thể nói, nhiều khả năng ý tưởng nghỉ việc sẽ đến gần như cùng lúc với sự thất vọng và lo lắng khi nghe tin bị giáng cấp, tức là ngay từ ban đầu. Có thể bạn không hài lòng, bạn chán nản và muốn đi tìm “nơi khác biết trân trọng mình hơn”. Thế nhưng, lời khuyên là hãy tạm “nhốt” suy nghĩ này lại một lúc để không tự đẩy mình vào tình huống khó khăn hơn. Sau khi giải quyết xong các bước cần thiết thì đây mới chính là lúc đem ý tưởng “bỏ đi” ra mổ xẻ.

Bạn cho rằng mình bị xem nhẹ nên bỏ đi: Đây là hành động bộc phát chỉ vì tự ái. Bạn nghĩ tương lai thôi chấm hết: Đó là vì bạn quá hấp tấp và chủ quan. Chắn chắn chúng ta không mất gì cả nếu dành thêm thời gian xem xét cẩn thận rồi mới quyết định bám trụ hay chuyển sang công ty khác.

+ Nếu khám phá ra rằng công ty đang trong tình trạng khó khăn (do cạnh tranh thị trường/ ngân sách tài chính/ biến động xã hội/ tái cơ cấu lĩnh vực hoặc ngành nghề…) đã dẫn đến bạn trở thành một trong rất nhiều nhân sự bị ảnh hưởng, những điều chỉnh mang “hình dáng” như là giáng cấp, hãy suy xét với sự cảm thông. Chí ít đây không phải là nỗi buồn của riêng bạn. Việc cần làm là đánh giá xem thực trạng và hướng đi sắp tới của công ty có còn tiệm cận với những định hướng và mục tiêu cá nhân bạn? Con đường sự nghiệp và năng lực chuyên môn của bạn còn khả năng phát triển thêm nữa không sau giai đoạn “thoái trào” tạm thời này? Chặng đường đi đến mục tiêu của cá nhân hay tập thể đều cũng sẽ phải gặp không ít khó khăn, tập thể mạnh cần sự đóng góp của cá nhân. Hãy trả lời rốt ráo các câu hỏi, biết mình cần gì và hình dung được viễn cảnh tương lai, bạn chắc chắn sẽ có quyết định thích đáng.

+ Hãy tiếp tục gắn bó với công ty, cải thiện bản thân và phấn đấu hơn nữa! Nếu sau những cuộc trò chuyện, những lần trao đổi bạn cũng phải tự thừa nhận rằng do mình chưa tốt. Công ty đưa ra bằng chứng rất cụ thể về sự thiếu hụt kỹ năng, số lần trễ thời hạn và dự án thất bại của bạn. Hoặc sếp ghi nhận nỗ lực, nhưng rõ ràng bạn đang ngồi ở một vị trí quá sức. Hay những vấn đề cá nhân gần đây, tính cách khác biệt thiếu hợp tác với đồng nghiệp và sự chậm học hỏi kiến thức đã cản trở năng lực đảm nhiệm công việc… Rơi vào tình huống này hẳn có chút “muối mặt”, nhưng hãy nhớ kỹ rằng giận dỗi hay xấu hổ mà nghỉ việc đều không phải lựa chọn tốt. Thử nghĩ xem, bạn đóng góp cho công ty bao năm mà họ còn buộc phải giáng cấp bạn, thì lý do gì một công ty khác sẽ tuyển dụng bạn vào vị trí cao hơn khi không đủ năng lực?

Đừng bỏ cuộc, bạn vẫn luôn “nắm quyền” cải thiện bản thân nếu có ý chí và kế hoạch! Chủ động hỏi về các kỳ vọng và đề nghị sếp cho bạn thời gian thử thách. Khi quay trở lại – giỏi hơn và đúng đường hơn – tin chắc bạn sẽ được thăng chức, giữ vị trí và mức lương xứng đáng.

+ Với những lý do chủ quan thiếu minh bạch (không thể nói ra nhưng mọi người ngầm hiểu được) như quản lý cấp cao mới về nên họ thay đổi “vây cánh và bộ sậu” để dễ dàng làm việc; hoặc khi thấy các dấu hiệu báo động như: mô tả công việc của bạn không thay đổi nhưng phải nhận quyết định hạ cấp bậc, bị thay đổi chức danh khác để áp dụng mức lương thấp hơn theo quy định công ty, bị điều chuyển phòng ban để phụ trách công việc không đúng chuyên môn (không thuộc chương trình Luân chuyển công việc) trong khi một nhân viên mới được tuyển vào làm công việc của bạn… thì bạn hoàn toàn có thể nghĩ đến phương án tìm việc mới nếu cho rằng đây là một lý do không thuyết phục.

#5. SỐNG TỐT VỚI TÌNH TRẠNG BỊ GIÁNG CẤP
- Tư duy và hành động tích cực
Dù sẽ ở lại hay ra đi, việc quan trọng nhất là bạn phải có hiệu suất tốt trong vai trò mới. Hãy dành thời gian và năng lượng cần thiết để làm chủ công việc, xây dựng sự thấu hiểu hai chiều với công ty và thiết lập mối quan hệ phù hợp với người quản lý mới (nếu có). Bạn sẽ học hỏi và cải thiện được rất nhiều điều cho tương lai. Tin tức xấu đôi khi giúp chúng ta biết cảnh giác, tỉnh thức và cố gắng hơn, cũng như nghịch cảnh sẽ khiến con người mạnh mẽ hơn.

Nếu đã ở lại, hãy thể hiện cam kết cao độ, kết quả thực tế và tập trung xoá bỏ hết các mối lo ngại của cấp trên về khả năng của bạn. Tập trung dành lại sự tín nhiệm, vị trí và quyền lợi khi xưa. Và ngay cả khi đã quyết chí tìm việc mới, hãy luôn suy nghĩ lâu dài! Cách cư xử tích cực, tính nhẫn nại không thay đổi và thiện chí xây dựng của bạn trong tình huống bị giáng cấp sẽ được đánh giá cao. Chắc chắn nó là hình ảnh đẹp của một cá nhân tiềm năng trên thị trường lao động vốn đầy cạnh tranh, nguy cơ và hỗn loạn.

- Liên tục phát triển bản thân
Trong vài tuần đầu tiên sau khi nhận quyết định, hãy quan sát và nhận diện các cơ hội cải thiện tình hình. Vì bạn bị giáng chức, các sếp sẽ để mắt đến biểu hiện của bạn. Có thể họ chờ sự thay đổi, và vào thời điểm thích hợp họ sẽ ra quyết định đầu tư nguồn lực đào tạo để bạn tốt hơn nếu bạn chứng minh bản thân thực sự nghiêm túc với công việc này.

Bên cạnh đó, hãy tranh thủ mọi cơ hội tự mài giũa và làm sắc bản thân bằng cách: đọc sách, luyện kỹ năng ngoại ngữ/diễn thuyết, tham dự các buổi net-working/hội thảo chuyên môn, tham gia các khoá học mới hay các hoạt động tình nguyện

- Hiện thực hoá ý định chuyển việc
Còn một khi bạn đã xác định không thể ở lại nữa, đây là các lưu ý quan trọng nhằm giúp bạn có một cuộc đào thoát suôn sẻ sang “bãi đáp” mới:

+ Quan trọng nhất: Đừng bỏ chạy! Ngay lập tức viết đơn xin nghỉ chỉ đảm bảo bạn nhanh chóng trở thành người thất nghiệp và bủa vây tâm trí với các câu hỏi “tiền nhà, tiền ăn, tiền học, tiền đi lại, tiền thuốc men… ai lo?” Bạn sẽ dễ dàng tìm kiếm việc mới hơn khi vẫn đang sở hữu một công việc.

+ Vạch ra kế hoạch tìm việc và khởi động nó. Hãy nhìn quanh và bắt lấy các cơ hội việc làm từ mọi kênh bạn có. Tìm kiếm trên cổng việc làm trực tuyến, Facebook, Talent Network các công ty. Tham gia hội chợ việc làm, dự sự kiện nghề nghiệp. Liên hệ lại với bạn đồng môn hoặc đồng nghiệp cũ. Thông báo cho người quen biết rằng bạn đang tìm việc mới, nhờ họ giới thiệu hoặc thông báo khi có cơ hội phù hợp.

+ Cập nhật lại hồ sơ tìm việc cả bản cứng lẫn hồ sơ trực tuyến. Tích cực luyện tập cách tự giới thiệu bản thân và kỹ năng phỏng vấn. Hãy giải toả tâm lý và làm đẹp thương hiệu cá nhân một cách tốt nhất.

+ Chuyển đổi kỹ năng. Nếu công việc sắp tới bạn quan tâm có yêu cầu thêm nhiều kỹ năng và kiến thức mới, tranh thủ lúc “giao thời” này để bổ sung và học cách chuyển đổi cho phù hợp.

+ Cuối cùng, hãy cẩn trọng và lặng lẽ! Đừng làm ồn ào cả công ty vì thái độ bất cần, thách thức hay đạp đổ sau khi bị đối xử không tốt. Tuyệt đối không lập hội nói xấu công ty, chỉ trích sếp hoặc lan truyền những tin đồn vô thưởng vô phạt. Nếu cần thiết, hãy nói thẳng vướng mắc với người có thẩm quyền. Cũng không nhất định phải tiết lộ cho mọi người biết rằng bạn có ý định bỏ việc chỉ vì mục đích dằn mặt, hăm doạ hay thoả cơn tự ái. Đôi khi, bạn còn tự chuốc hoạ vào thân vì “được” công ty cho nghỉ sớm hơn kế hoạch mong đợi.

Trong quá trình đến với công việc mơ ước và xây dựng sự nghiệp, có thể nói bên cạnh sa thải, cắt giảm nhân sự hay cách chức thì giáng cấp chính là cụm từ gây suy sụp tinh thần của người lao động nhất. Đối mặt với quyết định bị giáng cấp luôn vô cùng khó khăn. Nhưng trước khi vội vàng quyết định hất tung mọi thứ, hãy bước lùi lại và mở rộng quan điểm một chút tuỳ theo tình huống để có thể luôn vững vàng trong mọi hoàn cảnh nhé!

Nguồn ảnh Internet - Bài viết CareerBuilder Vietnam

0 comments:

Đăng nhận xét