12 thg 6, 2018

World Cup và branding: Sự tương đối của vĩ đại

Ngay cả một tượng đài, cũng chưa bao giờ tồn tại một sự ghi nhận tuyệt đối. Thế giới như thế nào nằm ở con mắt của người nhìn, phụ thuộc vào thế giới quan bạn có, bị chi phối bởi hệ giá trị ta theo.
Nếu bạn hỏi bất kỳ người dân Argentina ai là cầu thủ vĩ đại ở xứ sở Tango này, phần lớn sẽ gọi tên Maradona. Với họ, "Cậu bé Vàng" Diego là chúa trời. Luôn luôn như vậy và mãi mãi như vậy.

Tại sao không phải là Lionel Messi? Mọi cái ở Messi hoàn hảo đến mức có cảm giác lấy kính lúp soi cũng khó tìm được một vết xước nhỏ trên viên kim cương toàn bích. Không chỉ tài năng về chuyên môn, mà cả lối sống, phong cách hành xử chuẩn mực.

"Người Argentina vẫn chọn Maradona"

Khác với Messi, cuộc đời ngoài sân cỏ của Maradona là bản lý lịch bất tận về các scandal, từ hành hung nhà báo, chơi ma tuý đến quan hệ gái làng chơi.

Khác với Messi, cuộc đời trong sân cỏ của Maradona cũng ướt đẫm gia vị của tai tiếng. Điển hình nhất là bàn thắng bằng tay vào lưới tuyển Anh ở trận "chung kết sớm" năm 1986. "Cậu bé Vàng" gọi đó là bàn tay của Chúa. Bàn tay đó chính thức biến Maradona thành biểu tượng vĩnh cửu của dân tộc Argentina. Và bàn tay của Chúa đó cũng là nỗi đau không thể hàn miệng của người Anh. Đau nhất là thủ môn của họ - Peter Shilton.

Đối với Shilton, bàn thắng từ "bàn tay của Chúa" như cách gọi của Maradona (và giờ đã thành cách gọi của truyền thông) luôn là một vết nhơ tai tiếng. Với văn hoá hiệp sỹ đề cao trung thực của người Anh, những gì gian lận là không thể biện minh. Đến nay đã 68 tuổi nhưng Shilton chưa bao giờ tha thứ cho hành động gian lận nguỵ trang dưới danh nghĩa Chúa trời. Ông nói: Với tôi, Maradona không bao giờ là một nhân vật thể thao vĩ đại cả.

Ngay cả một tượng đài, cũng chưa bao giờ tồn tại một sự ghi nhận tuyệt đối. Thế giới như thế nào nằm ở con mắt của người nhìn, phụ thuộc vào thế giới quan bạn có, bị chi phối bởi hệ giá trị ta theo. Người Argentina xem Maradona là vĩ đại. Họ có chuẩn giá trị của riêng họ. Người Anh với đại diện là thủ môn Shilton phản đối điều này, họ cũng có lý do của mình.

Vĩ đại do lựa chọn. Vì vĩ đại hay không phụ thuộc vào nhận thức. Và đúng như quan niệm của nhà hiền triết cổ đại Plato - nhận thức sẽ chi phối thực tế. Hiểu điều này, thủ môn Shilton chắc sẽ không còn ngạc nhiên tại sao Maradona được xem là vĩ đại.

Câu chuyện bóng đá trên liên quan đến quy luật nhận thức trong triết học. Quy luật này, một lần nữa, được sử dụng như một tiền đề cho quy luật định vị thương hiệu - một khái niệm phổ biến về branding được khởi xướng và phát triển từ cuối những năm 1960 bởi Jack Trout và Al Ries.

Giờ đây hầu hết các doanh nghiệp và giới marketing đều biết đến khái niệm này. Thật thú vị khi nhìn thấy sợi dây liên kết giữa quy luật của triết học và quy luật trong branding - quy luật của sự tương đối trong nhận thức.

Theo Tri Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét