27 thg 6, 2018

Doanh nghiệp Việt chưa tận dụng được lợi thế lao động nước nhà

Chi phí lao động và năng suất lao động ở Việt Nam đang ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp.
Sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam những năm qua được đánh giá mạnh nhưng cũng bộc lộ nhiều bất ổn, khi doanh nghiệp tăng trưởng vẫn thiên về nguồn vốn, không tận dụng được lực lượng lao động được xem là lợi thế của Việt Nam.

Chi phí lao động và năng suất lao động ở Việt Nam đang ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp. Nhìn vào quy mô doanh nghiệp, các doanh nghiệp siêu nhỏ có hiệu suất sử dụng lao động cao nhất nhưng không ổn định. Trong khi đó, hiệu suất sử dụng lao động trong các doanh nghiêp quy mô lớn thường thấp nhất nhưng lại ổn định. Nhưng nhìn chung, hiệu suất sử dụng lao động ở các loại hình doanh nghiệp đều có xu hướng giảm.

Theo số liệu điều tra doanh nghiệp năm 2016 của Tổng cục Thống kê, hiện có hơn 14 triệu lao động trong khu vực doanh nghiệp. Năm 2016 số người lao động đã tăng khoảng 8,5%, tuy còn thấp hơn nhiều mức tăng bình quân của giai đoạn 2007 -2010 (đạt 12,1%) nhưng cao hơn nhiều so với giai đoạn 2011 - 2015 (5,6%), cho thấy hoạt động của doanh nghiệp đã phục hồi.

Nếu xem lao động là một trong những yếu tố đầu vào của sản xuất, kinh doanh, doanh thu mà người lao động mang lại cho doanh nghiệp và thu nhập của người lao động sẽ phản ánh hiệu quả sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Xét theo tiêu chí này, có thể thấy hiệu quả sử dụng lao động trong giai đoạn 2007 - 2016 không được cải thiện mà còn giảm, từ 17,3 lần xuống còn 14,3 lần.

Trong ba khu vực doanh nghiệp, doanh nghiệp ngoài nhà nước là khu vực có hiệu suất sử dụng lao động cao nhất trong giai đoạn 2007 - 2011, nhưng đến giai đoạn 2012 - 2016, các doanh nghiệp nhà nước lại có hiệu suất sử dụng lao động cao nhất.

Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng. Việc tận dụng nguồn lực lao động này là hết sức cần thiết. Với lực lượng dồi dào, khoảng 54,8 triệu lao động là nguồn cung vô cùng dồi dào cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh số lượng lao động là lợi thế, chất lượng lao động lại là một hạn chế. Trong đó, năm 2017, lao động đang làm việc ở khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 40,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 25,7%, khu vực dịch vụ chiếm 34%.

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc ở khu vực thành thị chiếm 31,9%, khu vực nông thôn chiếm 68,1%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo năm 2017 ước tính đạt 21,5%, cao hơn mức 20,6% của năm trước. Như vậy, lao động vẫn tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và tỷ lệ lao động đã qua đào tạo vẫn thấp. Chính vì vậy năng suất lao động của người Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Tính đến tháng 12/2017, số doanh nghiệp đang hoạt động là 561.000, tiếp tục xu hướng giảm. Như vậy, kể từ sau khi nền kinh tế phục hồi vào năm 2003, số doanh nghiệp ngừng hoạt động luôn ở mức trên 50.000 mỗi năm, chiếm một nửa số doanh nghiệp thành lập hằng năm.

Mức độ cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đang tăng do việc mở cửa thị trường thực hiện cam kết WTO và các hiệp định thương mại tự do. Mức độ cạnh tranh giữa bán buôn và bán lẻ cũng ngày càng tăng, với sự hiện diện ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài, như Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Đặc biệt, những chính sách mới sắp thực thi sẽ làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp.

Cụ thể, lương tối thiểu vùng năm 2018 tăng 6,5%, dù chỉ bằng một nửa so với mức đề xuất (13,3%), nhưng có thể gây thêm khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, do tăng thêm chi phí đầu vào và tiền lương tăng cao hơn so với mức tăng tương ứng của GDP và năng suất lao động.

Chính phủ đặt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Do đó, trong Báo cáo Thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 - 2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã khuyến nghị các cơ quan nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ban hành các chính sách giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, cũng như thực hiện các giải pháp để khu vực doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tác giả là Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp

0 comments:

Đăng nhận xét