7 thg 6, 2018

Bạn đang cầu tiến, hay chỉ là người vô dụng trông có vẻ tích cực, câu trả lời sẽ khiến bạn ngỡ ngàng!

Có những người càng tích cực xây dựng đủ loại chí hướng, lại càng thất bại nhanh hơn. Chính họ là bị hủy hoại bởi sự ra-vẻ-cầu-tiến này.
"Ước mơ lớn nhất của tôi là: tôi không còn mơ ước nữa."

Bạn đang tìm kiếm sự tiến bộ, hay chỉ là người vô dụng bận rộn?

Khi mới vào đại học, Mai Lan có một chí hướng rất lớn: Thành tích phải luôn đứng top ba trong lớp; đạt học bổng cấp quốc gia; gia nhập hội sinh viên, ít nhất phải lên kế hoạch cho một hạn mục hoạt động lớn của trường; tìm một giáo viên đáng tin cậy, tranh thủ cơ hội gửi một bài SCI khi còn học khoa chính quy.

Kết quả là: chưa được vài tháng thì cô bạn đã thất bại.

Môi trường đại học rất tự do. Ngày nào cô ấy cũng ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Bài tập có thể không làm thì sẽ không làm; trước thi cử hai tuần mới lao đầu vào học, nhẹ nhàng thảnh thơi lấy một con điểm đạt.

Đừng nói đến giải thưởng quốc gia, giải khuyến khích cô ấy cũng không nhận được. Tuyên ngôn trên phương diện học tập ngay từ ban đầu, sớm đã bị sụp đổ.

Hội sinh viên thì cô cũng có gia nhập, nhưng chẳng những không muốn làm gì lại còn không muốn đưa ra ý tưởng, hầu như cô không tham gia bất kì hoạt động nào. Tuyên ngôn về mặt này, cũng sụp đổ.

Đến năm ba rút kinh nghiệm xương máu, cô tìm một giáo sư chuẩn bị theo học, nhưng sau khi đọc được một vài quyển sách tiếng Anh thì không đọc nổi nữa, cô bạn đành rời khỏi nhóm nghiên cứu mà không nói lời nào. Tuyên ngôn về mặt học thuật này, cũng vỡ vụn như bọt xà phòng.

Mai Lan nhìn bốn năm đại học của mình cứ trôi qua như thế, tuổi tác tăng lên nhưng kiến thức không hề tăng, cảm thấy vô cùng hối hận.

Rõ ràng ban đầu đều tràn đầy quyết tâm, nhưng vì sao lại không thể kiên trì đến bước cuối cùng?

Câu chuyện khiến tôi nhớ đến cụm từ: Kẻ vô dụng tích cực (dùng để nói đến những người chỉ thích thiết lập tuyên ngôn cho chính mình, nhưng mãi mãi không làm được). Kiểu người này luôn trong tâm thế tích cực đi lên, nhưng hành động lại y hệt một kẻ vô dụng, họ luôn cảm thấy khủng hoảng sau cách sống buông thả, thường tự trách sự lười biếng của bản thân.

Bề ngoài thì, họ đang tìm kiếm sự đi lên, họ luôn mong muốn thay đổi bản thân, họ rất cầu tiến, nhưng trên thực tế họ chỉ đang dùng một phương pháp viển vông để che giấu sự lười biếng của mình.

Việc làm này vô cùng nguy hiểm: họ càng tích cực xây dựng đủ loại chí hướng, họ càng thất bại nhanh hơn. Rất nhiều người, chính là bị hủy hoại bởi sự ra-vẻ-cầu-tiến này.


Trở nên vô dụng tích cực, đó là bản chất con người

Đầu năm 2017, viện nghiên cứu tại Mỹ đã tiến hành một cuộc khảo sát 1273 người và tổng kết những mục tiêu mà mọi người thích đặt ra nhất:
  1. Giảm béo, chế độ ăn uống lành mạnh (21,4%).
  2. Nâng cao bản thân và cải thiện điều kiện sống (12,3%).
  3. Học cách quản lý tài chính (8.5%).
  4. Bỏ thuốc lá (7,1%).
  5. Dành nhiều thời gian hơn với gia đình (6,2%).
  6. Học một thứ mới (5,3%).
  7. Tìm người yêu (4,3%).
  8. Thay đổi một công việc khác tốt hơn (4,1%).
Vì sao lại lấy số liệu của Mỹ để nói về việc này? Bởi vì chỉ cần nhìn vào bảng số liệu này, bạn sẽ thấy rằng những người trẻ trên thế giới đều thiết lập những tuyên ngôn tương tự như vậy.

Tuy nhiên, trong những người lập tuyên ngôn này, chỉ có 9,2% cho biết họ đã thành công trong việc thực hiện mong muốn của mình - một con số chưa đầy 10%.

42,4% nói rằng họ chưa bao giờ thực hiện bất kỳ lời hứa nào, và 27,4% nói rằng họ thường từ bỏ mục tiêu sau bảy ngày hứa hẹn.

Người vô dụng tích cực dễ mắc phải hội chứng hy vọng "giả":

"Vừa mới bắt đầu họ đã xem những kỳ vọng thiếu thực tế như một mục tiêu, đặc biệt là khi những mong muốn xa vời này lại mạnh mẽ một cách kì lạ, họ sẽ có nhiều lạc quan hơn thực tế, sẽ tạo ra một số "ảo tưởng" sai sự thật, khiến cho bản thân họ tin rằng những mong muốn này có có thể đạt được."

Nhưng bởi vì những kỳ vòng này đều thiếu thực tế, họ sẽ dễ dàng bị thất bại, từ đó thay đổi mục tiêu. Mục tiêu tiếp theo cũng khó đạt được như vậy, họ thất bại một lần nữa, và lại thay đổi mục tiêu một lần nữa.

Đây là một vòng luẩn quẩn tồi tệ. Mà còn đáng sợ hơn nữa, đây là cội nguồn của sự tuyệt vọng.

"Vô dụng tích cực", chính là một hoàn cảnh sinh tồn của con người. Nếu như bạn không thể thoát khỏi tình huống này, cuộc sống của bạn thật sự sẽ trở thành một mớ hỗn độn.


Lý do tại sao chúng ta dễ dàng quên đi những hành động thực tế

Là bởi vì chúng ta thiếu một loại năng lực tự làm chủ.

Trong quyển sách bán chạy The willpower instinc (Ồ! Đây chính là thứ tôi cần: Cơ chế của sự tự chủ và phương pháp để tự chủ hơn - theo bản Việt), tác giả đã đề cập đến một thực nghiệm:

Năm 2007, các nhà nghiên cứu thuộc  viện nghiên cứu Max Planck đã thiết kế một cuộc thi. Họ đã chọn 19 con tinh tinh và 40 sinh viên đến từ Harvard, để so sánh sức mạnh của ý chí tự chủ.

Cách thức là cả hai bên phải kiềm chế không ăn uống.

Trong vòng đầu tiên, tất cả thí sinh có thể chọn 2 hoặc 6 loại thực phẩm mà bản thân yêu thích làm phần thưởng. Tất nhiên, dù là tinh tinh hay người đều chọn con số tối đa là 6 loại thực phẩm.

Lý do rất hiển nhiên: Cho dù là động vật hay con người, càng nhiều thì luôn là càng tốt.

Ở vòng thứ hai, các nhà nghiên cứu đã biến những lựa chọn trở nên khó khăn hơn một chút, họ đã cho các thí sinh có cơ hội lựa chọn giữa việc được ăn ngay 2 phần thực phẩm, hoặc phải chờ hai phút, sau đó ăn 6 phần.

Ai sẽ kiên nhẫn hơn?

Điều bất ngờ là: 72% con tinh tinh đã chọn chờ đợi để nhận được phần thưởng lớn hơn, trong khi chỉ 19% sinh viên đại học sẵn sàng chờ đợi.

Khả năng tự chủ của con người, thậm chí còn kém hơn khả năng tự chủ của tinh tinh!

Làm thế nào để giải thích hành vi này?

Chúng ta cần mượn khái niệm "chiết khấu trễ" của nhà kinh tế: Thật ra, đối với con người mà nói, khi thời gian bạn chờ đợi một phần thưởng càng dài, thì giá trị của phần thưởng đó đối với bạn càng thấp.

Thời gian chậm lại càng ít, nhận thức về giá trị của bạn càng giảm đi đáng kể.

Ví dụ, chỉ cần chậm 120 giây, thì sự cám dỗ của 6 phần thực phẩm đó sẽ ít hơn nhiều so với sự cám dỗ của 2 phần thực phẩm.

Con người là vậy, họ biết suy nghĩ đến tương lai: "Sau khi ăn xong 2 phần thực phẩm này, có lẽ còn có phần tiếp theo lớn hơn! Không cần phải sợ, thỏa mãn sự hưởng thụ của hiện tại rồi, còn có sự hưởng thụ lớn hơn trong tương lai."

Còn động vật thì không nghĩ như thế. Đối với động vật mà nói, chúng không có khái niệm về "tương lai": 2 phần và 6 phần là lựa chọn ngay hiện tại của chúng, chúng đương nhiên sẽ chọn 6 phần.

Thỏa mãn ngay tức thì là bản chất con người. Lý do những người "vô dụng tích cực" trở nên phổ biến là bởi vì thời hiện đại này thường có nhiều cám dỗ bày ra trước mặt họ:

Muốn đọc sách, học từ vựng? Thôi hay là xem một bộ phim mới trước vậy;

Muốn rèn luyện thể thao? Thôi hay là ăn cái bánh mới mua thơm nức mũi trước vậy;

Muốn viết một bài luận? Thôi hay là ngủ trưa một giấc trước vậy.

Hành động phấn đấu tích cực của bạn đã bị cản trở bởi đủ loại cám dỗ như vậy, ý chí bị bào mòn dần, và sau này bạn chỉ có thể trơ mắt nhìn từng tuyên ngôn mà bản thân đã thiết lập sụp đổ.


Không thể kiểm soát bản thân, còn có một lý do sâu xa hơn

Trước đây, TalBen, một giảng viên nổi tiếng với tiết học mở về "tâm lý học tích cực" của đại học Harvard, đã từng kể câu chuyện của chính mình:

Trong năm thứ hai đại học, ông đã tham gia vào một đội bóng quần. Ông không thích chơi bóng quần cho lắm, lý do mà ông tham gia, hoàn toàn giống y như sinh viên thời bấy giờ:

Suy cho cùng khi vào đại học, phải tham gia nhiều hoạt động, quen biết nhiều bạn bè.

Đội bóng quần yêu cầu mỗi ngày đều phải tập luyện, mà còn phải tập với cường độ cao và căng thẳng, đến nỗi mỗi ngày ông chỉ có thể giữ lại hai giờ đồng hồ để học hành.

Mặc dù không thích, nhưng với một ý chí mạnh mẽ, TalBen đã làm không tồi: thắng được vài cuộc thi, sức học cũng không giảm sút.

Vả lại bởi vì mỗi ngày chỉ có hai giờ để học nên ông ấy càng tập trung hơn, hiệu quả học tập vô cùng cao.

Khi hè đến, ông ấy rất mong chờ, bởi vì cuối cùng bản thân đã có thể dành phần lớn thời gian cho việc học hành, như vậy chắc là hiệu quả sẽ càng tốt hơn.

Kết quả không ngờ là: trái ngược với mong đợi, việc học của ông trở nên kém hiệu quả hơn rất nhiều.

Vốn dĩ ông ấy định hằng ngày dậy sớm, xem vài trang sách, đọc vài tài liệu, ghi chép vài dòng. Nhưng ông phát hiện ông căn bản không thể làm được: Khi thức dậy sớm, ông vẫn sẽ ngủ nướng, đang đọc tài liệu thì sẽ lại tìm kiếm google vào những trang web tầm phào khác, còn tài liệu học thuật chỉ đọc được vài trang đã không đọc nổi nữa.

Vấn đề nằm ở đâu?
Thật ra, thứ có thể ảnh hưởng đến việc bạn đạt được ước muốn của mình, còn cao hơn tự chủ hay ý chí, chính là thói quen của bạn.

Khi chơi bóng quần, sự tự chủ của TalBen đến từ đâu? Từ việc tập luyện bắt buộc ngày này qua ngày khác. Bao gồm cả hiệu quả học tập cao của ông ấy cũng thông qua việc hoàn thành nhiệm vụ trong vòng hai giờ một cách bắt buộc từ ngày này qua ngày khác.

Một khi bạn đã hình thành thói quen, thói quen sẽ phát sinh tác dụng: nó giống như việc một người phải ăn ba bữa trong ngày, đánh răng rửa mặt sau khi thức dậy. Bạn có thể hoàn thành những công việc này mà không cần quá nhiều ý chí.

Rốt cuộc là ý chí đủ mạnh để hình thành thói quen của bản thân, hay là một thói quen đủ tốt mới thể hiện được ý chí đủ mạnh? TalBen đã cho chúng ta biết, vế sau mới là chính xác.

Bởi vì, sau khi ông ấy được nghỉ hè, những thói quen ban đầu đã hoàn toàn bị phá vỡ, và ý chí của ông ấy trở nên kém đi.

Một người vốn học giỏi, cũng đã trở thành "người vô dụng tích cực".


Vậy làm thế nào để chúng ta thoát khỏi chứng "vô dụng tích cực"?

Về cơ bản, chúng ta phải nuôi dưỡng những thói quen tốt. Bởi vì thói quen đủ tốt, ý chí sẽ đủ mạnh.

Vậy thì, chúng ta làm thế nào để hình thành một thói quen?

Trước hết chúng ta phải biết rằng, con người có hai loại thói quen.

Một là thói quen hằng ngày. Ví dụ đã được nhắc đến ở phần trên, ăn ba bữa trong ngày và đánh răng rửa mặt, bạn cần nuôi dưỡng những thói quen như vậy.

Nhưng con người còn có một thói quen khác: thói quen mang tính bắt buộc.

Thói quen mang tính bắt buộc là một thói quen được hình thành dựa vào việc bạn tự gò ép chính mình. Nhưng bạn có thể nuôi dưỡng bất kỳ thói quen nào bạn muốn nuôi dưỡng không? Xin lỗi, bạn không thể.

Trọng Tùng, đồng nghiệp của tôi là một ví dụ điển hình.

Khi Trọng Tùng học khoa chính quy, tất cả các môn đều rất giỏi, duy nhất chỉ có tiếng Anh. Cậu ấy quyết chí thi đậu nghiên cứu sinh của một trường có tiếng, vì vậy chỉ có thể bắt bản thân vượt qua trở ngại này.

Cậu ấy đã dùng hết cách để nâng cao kỹ năng tiếng Anh của mình: liên tục 21 ngày ép buộc bản thân đọc thuộc 100 từ mới mỗi ngày, ép buộc bản thân trò chuyện với giáo viên nước ngoài, ép buộc bản thân mỗi ngày phải xem chương trình tiếng Anh đúng một giờ đồng hồ...

Cuối cùng thì cậu không thể không bỏ cuộc.

"Chả biết làm sao tiếng Anh tớ học mãi chẳng vào đầu!"

Cứ từ bỏ như vậy, cậu ấy đã chuyển sang học tiếng Nhật và đăng ký thi chuyên ngành không cần phải thi tiếng Anh.

Cuối cùng cậu ấy đã thuận lợi thi đậu nghiên cứu sinh.

Có một sự thật nghịch lý: một thói quen, chỉ khi bạn thật sự yêu thích nó, bạn mới có thể nuôi dưỡng, cho dù bạn bị ép buộc phải nuôi dưỡng. Vả lại việc bạn hình thành nó, không phải là do bị ép buộc, phần lớn là vì bạn yêu thích nó.


Còn những gì bạn không thích, cho dù bị ép bạn vẫn không thể nuôi dưỡng nên niềm yêu thích đối với nó.

Do vậy, để tránh trở thành "người vô dụng tích cực", gợi ý đầu tiên chính là: tìm ra một thứ mà bạn thật sự yêu thích.

"Thật sự yêu thích." Đây vốn dĩ là một từ ngữ rất chủ quan.

Một nhà vật lí từng đoạt giải Nobel năm 1976 đã đưa ra một định nghĩa rất hiệu quả cho từ ngữ chủ quan này:

"Một việc mà bạn chỉ cần tốn một ít công sức đã có thể làm tốt hơn người khác, bạn sẽ thích công việc đó." Đây là những việc có lẽ bạn sẽ thích.

Ví dụ như vật lý. Rất nhiều người học sống chết không vào đầu, nhà vật lí này từ thời còn đi học đã tiếp thu rất tốt, rất đơn giản, bởi vì ông có thể không tốn quá nhiều thời gian thì đã làm bài thi vật lý và toán học đạt điểm tuyệt đối.

Bạn sẽ không thích các môn học mà bạn có thể dễ dàng làm kiểm tra được điểm cao chứ?

Chắc là sẽ không đâu.

Lấy thêm một ví dụ khác về tiểu thuyết gia nổi tiếng người Nhật Haruki Murakami

Lúc sắp gần tuổi 30, Murakami Haruki mới bắt đầu viết tiểu thuyết. Ban đầu ông ấy không có niềm tin vào chính mình, viết xong tiểu thuyết ông gửi bản thảo cho một cuộc thi, kết quả ông bất ngờ đoạt giải.

Khi nhớ lại điều này, ông ấy đã nói:

"Tôi nghĩ, nếu như lúc đó không phải tiểu thuyết đoạt giải, chứng minh rằng tôi vẫn còn có thể viết tiểu thuyết, có lẽ sau này tôi sẽ không bao giờ viết nữa."

Sau khi biết rằng bản thân còn có tài năng viết tiểu thuyết, Haruki Murakami quyết tâm từ bỏ lối sống ban đầu, bắt đầu cuộc đời của một nhà văn được mọi người say sưa bàn đến:

Mỗi ngày thức dậy lúc 4, 5 giờ sáng để chạy bộ, sau đó sáng tác vào buổi sáng, buổi chiều tiếp tục chạy bộ, bơi lội, 10 giờ tối thì sẽ đi ngủ đúng giờ. Cứ kiên trì như vậy, tròn bốn mươi năm.


Ý chí mạnh mẽ, thật ra được bắt nguồn từ việc tìm được sở thích, sở trường của riêng mình.

Bước thứ hai để tránh trở thành một "người vô dụng tích cực", đương nhiên chính là bắt đầu nuôi dưỡng những thói quen tốt.

Liên quan đến làm thế nào để hình thành thói quen, chắc mọi người đã từng nghe qua nhiều phương pháp cụ thể, chẳng hạn như "quy tắc 21 ngày", "quy tắc mục tiêu trước mắt", v.v...

Những phương pháp này đều hiệu quả, luôn sẽ có một phương pháp phù hợp với bạn, điều quan trọng nhất là sự kiên trì.

Tất cả các phương pháp để hình thành thói quen thật ra đều có một "sơ đồ não".

Trong cuốn sách bán chạy, The power of habit (Sức mạnh của thói quen - theo bản Việt), tác giả đã mô tả cho chúng ta ba bước trong "sơ đồ não" khi một thói quen được hình thành:

Bước đầu tiên, trong đầu của bạn sẽ hình thành một ý nghĩ mang tính gợi ý, có thể khiến não bộ tự giác hành động và quyết định sử dụng thói quen nào;

Trong bước thứ hai, hành vi thường ngày của bạn được phát động, dẫn dắt suy nghĩ và hành động của bạn;

Bước thứ ba, sau khi hoàn thành hành động, bạn nhận được phần thưởng, điều này giúp não bộ của bạn xác định được lợi ích, từ đó ghi nhớ hành vi này và hình thành một thói quen.

Lấy việc bạn hình thành thói quen đọc sách để làm ví dụ:

Bạn có thể thiết lập thói quen bắt đầu đọc sách vào mỗi buổi tối sau khi tắm. "Tắm" là một suy nghĩ gợi ý rằng bạn sắp bắt đầu đọc sách;

Bạn có thể quyết định mỗi ngày đọc bao nhiêu trang sách để hình thành hành vi thường ngày;

Sau khi đọc sách xong, bạn có thể tự thưởng cho mình một số phần thưởng mà ngày thường khó nhận được, chẳng hạn tự thưởng cho mình một đôi giày thể thao phiên bản giới hạn hoặc một thỏi son tương đối đắt tiền.

Đương nhiên, nếu như thói quen này được bạn yêu thích mà không phải người khác ép buộc bạn, thì bạn có thể không cần đến bất kỳ phần thưởng vật chất nào, bởi vì niềm vui của mỗi một lần tiến bộ sẽ là phần thưởng lớn nhất đối với bạn.

Đi theo hướng hình thành những thói quen tốt này, bạn sẽ từng bước thoát khỏi cạm bẫy "vô dụng tích cực" và trở thành một "người phi thường tích cực" thật sự.

Nguồn CafeBiz

0 comments:

Đăng nhận xét