15 thg 3, 2018

Người trẻ Việt khởi nghiệp vì muốn giàu và muốn làm sếp, thường hay nhảy việc vì lấy tiền bạc là tiêu chuẩn phấn đấu

Quan điểm khởi nghiệp của chúng ta có là lệch lạc? Một câu hỏi tương tự về động lực khởi nghiệp từng được đặt ra trên trang hỏi đáp Quora, kết quả các bạn trẻ quốc tế đều chọn câu trả lời về 'được trải nghiệm', 'được sống cuộc sống thực sự' hay 'được sáng tạo'...
Mới đây, Navigos Search công bố một Báo cáo mang tên “Thế hệ Y người Việt – Tham vọng sự nghiệp và Khát vọng khởi nghiệp”. Báo cáo đã chỉ ra những kết luận vừa tươi sáng, nhưng thực sự cũng rất đáng suy nghĩ về cách người trẻ Việt đang quan niệm về khởi nghiệp về tiền bạc.

Trước hết, báo cáo này dựa trên khảo sát được thực hiện với 3.150 người sinh từ khoảng năm 1980 đến 1996, nghĩa là có độ tuổi từ 21 đến 37 - độ tuổi vàng trong lực lượng lao động. Hơn 3.000 người lao động này cũng đồng thời được xếp vào Thế hệ Y (hay thế hệ Thiên niên kỷ) - những người trẻ sinh ra và lớn lên trong cuộc cách mạng công nghệ của thế giới, có những suy nghĩ rất phá cách về cuộc sống, sự nghiệp, so với các thế hệ cha ông của mình.

Tại Việt Nam giai đoạn này, thế hệ Y chiếm gần 30% dân số, tương đương với 27 triệu người. Trong tương lai, đội ngũ nhân sự trẻ này sẽ chính là những người nắm giữ tương lai của đất nước trước bối cảnh thế giới đang biến đổi như vũ bão, mà sự ập đến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là một ví dụ điển hình.

Người trẻ Việt: Rất khao khát khởi nghiệp, cho rằng 'nên đi làm rồi mới khởi nghiệp'
Theo kết quả khảo sát, những người trẻ Việt Nam thực sự đang rất 'khao khát' khởi nghiệp. Có tới gần 2/3 người tham gia khảo sát, tương đương với 2.100 người, cho biết rằng họ mong muốn khởi nghiệp trong vòng 3 năm tới.

Người Việt trẻ cũng thể hiện sự đồng ý với quan điểm rằng 'nên đi làm một thời gian rồi mời khởi nghiệp'. Có tới 53% những người được hỏi cho rằng độ tuổi từ 31-35 chính là 'độ tuổi vàng' để bắt đầu khởi nghiệp.

Người trẻ Việt muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nào?
Khác với những trào lưu công nghệ đang phát triển rất mạnh trên thế giới, Thế hệ Y ở Việt Nam vẫn nghiêng về những ngành truyền thống như Bán lẻ, Du lịch – Nhà hàng, Thương mại điện tử và Giáo dục. Đây chính 4 lĩnh vực được có tỉ lệ được lựa chọn cao nhất, tương ứng với 31%, 14%, 11% và 10%.

Theo báo cáo của Navigos Group thì đây là một điều tích cực, bởi nó chứng minh rằng người Việt đã dám nghĩ tới những lĩnh vực khởi nghiệp lớn lao, có thể đóng góp tốt cho xã hội. Tuy nhiên, từ suy nghĩ mong muốn khởi nghiệp đến việc chấp nhận dấn thân vào 'khởi nghiệp' thực sự lại là một câu chuyện khác không được đề cập trong báo cáo này.

Vì sao người Việt trẻ muốn khởi nghiệp? Vì muốn giàu và muốn làm sếp
Hai thống kê sau đó thực sự đã để lại nhiều suy ngẫm. Khi tìm hiểu về động lực thực sự muốn khởi nghiệp của thế hệ Y ở Việt Nam, hơn 66% số người được hỏi cho biết họ khởi nghiệp vì muốn trở nên giàu có. Một số đưa ra lý do rằng mình khởi nghiệp vì muốn làm ông chủ và không muốn làm nhân viên.

Tiền bạc dường như cũng được ngày càng nhiều người trẻ Việt mang ra làm tiêu chuẩn để phấn đấu.

Khảo sát này cho thấy có tới 71% người được hỏi cho rằng tài chính cá nhân chính là thước đo để đo lường sự phát triển bản thân trên con đường sự nghiệp. Thậm chí, tiền bạc còn chính là động lực thôi thúc người trẻ Việt 'dấn thân' vào thử thách, theo báo cáo nhận định.

Đồng thời, yếu tố tài chính như lương, thưởng cũng là yếu tố hàng đầu được mang ra xem xét khi người trẻ Việt đưa ra quyết định tiếp tục làm ở công ty này hay chuyển sang công ty khác, chứ không phải là cơ hội nghề nghiệp hay môi trường.

Theo đó, có tới 41% số người được hỏi cho rằng nếu chuyển sang công ty khác thì chế độ lương và phúc lợi tốt hơn là điều họ mong muốn.

Lấy 'tiền bạc làm thước đo thành công', người Việt trẻ nhảy việc rất nhiều!
Có lẽ chính vì câu chuyện 'lấy tiền bạc làm thước đo thành công' nói trên, một thực tế đang diễn ra khá phổ biến tại thị trường lao động Việt Nam, đặc biệt với đội ngũ lao động trẻ là sự gắn bó lâu dài với các công ty, tổ chức không cao.

Điều này dẫn đến tình trạng ứng viên trẻ 'nhảy việc' rất nhiều và nhanh, để lại cho nhà tuyển dụng sự rất khó khăn và tốn kém trong việc tuyển dụng thay thế và đào tạo nhân viên mới. Cụ thể, theo kết quả khảo sát của Navigos Search thì 69% ứng viên thế hệ Y người Việt tham gia khảo sát trả lời rằng họ đang cân nhắc về chuyển việc.

Trong số hơn 3.000 người tham gia khảo sát cũng có tới 70% người có thời gian làm việc trung bình từ ít hơn 4 năm tại một công ty. Điều này chứng minh mức độ gắn bó thấp của những người trẻ Việt với các tổ chức, công ty - một điều khác biệt hoàn toàn với những gì đã xảy ra với thế hệ cha chú chúng ta.

Quan niệm về khởi nghiệp của chúng ta có lệch lạc so với quốc tế?

Như vậy, câu trả lời về động lực khởi nghiệp của người Việt đã được thể hiện phần nào từ báo cáo của Navigos Search: 'Khởi nghiệp vì muốn giàu và vì muốn làm sếp'. Câu hỏi giờ đây được đặt ra là liệu rằng quan niệm về khởi nghiệp như vậy có bị lệch lạc không?

Không đưa ra bình luận gì về điều này, ở đây chúng tôi chỉ xin trích dẫn lại những quan điểm của các bạn trẻ quốc tế cho câu hỏi tương tự: Why do you want to do a startup (Vì sao bạn muốn khởi nghiệp?) từng được đặt ra trên mạng xã hội hỏi đáp Quora và đã nhận được rất nhiều câu trả lời tâm huyết.

Freya Watson, một cử nhân ngành Khoa học máy tính sống tại London trả lời:
Khởi nghiệp là một chuyến tàu lượn siêu tốc có thể cung cấp cho bạn những kinh nghiệm nghề nghiệp tuyệt vời và dạy cho bạn những bài học cuộc sống vô giá. Khởi nghiệp có thể giúp bạn hiệu quả hơn bao giờ hết, giúp bạn mở rộng kiến ​​thức về kinh doanh...Tôi chọn khởi nghiệp vì nó giúp tôi được làm việc sáng tạo, được bắt đầu một cuộc hành trình và sống cuộc sống thực sự...

Người dùng Shubham Singh thì trả lời:
Tôi muốn khởi nghiệp vì tôi nghĩ đó là thứ gì đó sáng tạo nhất, năng động nhất nhưng cũng đầy thử thách nhất. Nó sẽ phát triển toàn bộ nhân cách của bạn. Bạn sẽ được học hỏi và áp dụng tất cả những kỹ năng tài chính, marketing trong môi trường thực tế, thứ mà không có một công việc nào khác có thể cung cấp cho bạn. Và quan trọng nhất, trở thành một ông chủ của chính mình, không trở thành nô lệ của ai đó là động lực lớn nhất thúc đẩy khởi nghiệp.

Một số ý kiến khác thì cho rằng họ khởi nghiệp vì nhìn thấy những vấn đề mà một thị trường, hay là cả xã hội đang gặp phải như một cơ hội để họ mày mò tìm cách giải quyết.

Thấu hiểu 'nỗi đau của người tiêu dùng' (customer pain), họ tạo ra ý tưởng để giải quyết vấn đề và 'bán lại' ý tưởng đó cho toàn xã hội. Đây chính là những câu chuyện của các startup đang được ca tụng nhất trên thế giới ở thời điểm này như Uber (thị trường taxi), AirBnb (thị trường khách sạn), Stripe (thanh toán trực tuyến)...

Quay về với Việt Nam thì khi mà tư tưởng việc nhẹ, lương cao vẫn còn tồn tại và là động lực để thế hệ Y khởi nghiệp, liệu người trẻ để nhận thức đầy đủ và đúng đắn về khởi nghiệp hay chưa?

Nguồn CafeF

0 comments:

Đăng nhận xét